Tại sao bạn luôn trì hoãn và làm cách nào để vượt qua?

Thú thật với mình đi, bạn có phải là người hay trì hoãn không? Bạn có thường xuyên đợi “Nước đến chân mới nhảy” không? Trì hoãn gần như là hiện tượng phổ biến trong giới văn phòng, nơi công sở, kể cả trường học. Vậy tại sao chúng ta trì hoãn và làm thế nào để loại bỏ vĩnh viễn sự trì hoãn này?

1. Vì sao chúng ta trì hoãn?

1.1. Trì hoãn vì lười biếng

Bạn định sẽ ngồi vào bàn học lúc 8h tối, rồi khi đồng hồ điểm 8h, bạn tự nhủ 1 lát nữa thôi mình sẽ vào bàn học, và rồi “1 lát” đó đã kéo bạn đến 10h. Bạn lại thấy 10h là giờ đẹp để đi ngủ, và bạn lên giường đi ngủ, mặc bài vở vẫn còn ngổn ngang.

Bạn dự định sáng nay đến công sở sẽ viết báo cáo ngay. Bạn mở máy tính, bạn nghĩ 1 lát nữa bạn sẽ viết báo cáo, rồi bạn mở các file, nhưng không file nào liên quan đến báo cáo. Bạn giải quyết những việc vặt vãnh, và thế là đã đến 11h. Bạn nghĩ, chuẩn bị đến giờ đi ăn trưa rồi, nếu giờ viết báo cáo sẽ dở dang lắm. Thôi thì… để đến chiều. Và thế là cả ngày bạn ngụp lặn trong cảm giác phải làm nhưng không thể bắt tay vào làm.

Bạn lười biếng vì bạn không muốn làm việc mình cần phải làm.

1.2. Trì hoãn vì thiếu năng lượng thể chất và tinh thần

Bạn có biết việc lướt điện thoại, chơi game tốn năng lượng tinh thần như thế nào không? Mỗi khi lướt điện thoại, não bạn phải đọc và xử lý hoàng loạt thông tin, như cái này đẹp, cái kia xấu, ôi con bé này phát biểu n.g.u thật sự… Bạn tưởng rằng lướt điện thoại chỉ để chơi, thư giãn, nghỉ ngơi, nhưng không đâu, não bạn phải làm việc rất căng thẳng và chẳng hề được nghỉ ngơi. Bởi vậy khi phải tập trung học tập hoặc làm việc, não gần như cạn kiệt năng lượng, không còn sức lực. Đến khi thực sự bắt tay vào việc gì đó cần thiết, não sẽ đòi nghỉ ngơi. Vì vậy làm ra làm, chơi ra chơi, nghỉ ngơi ra nghỉ ngơi, đừng bắt bộ não làm việc quá sức.

Năng lượng tinh thần đến từ việc nghỉ ngơi, xa rời các thông tin kể cả tích cực hay tiêu cực.

Ngược lại, năng lượng thể chất đến từ việc cân bằng giữa luyện tập và nghỉ ngơi. Thể chất cần luyện tập thật căng, sau đó nghỉ ngơi để hồi phục. Không tập luyện cũng làm cho thể chất mệt mỏi và rút cạn năng lượng. Hãy lên lịch tập luyện đều đặn mỗi ngày bạn nhé.

1.3. Trì hoãn do công việc quá khó khăn hoặc nhàm chán

Nhiều khi chúng ta không bắt tay vào việc là vì cảm thấy công việc quá khó khăn hoặc công việc không mang lại hứng thú. Nếu công việc quá khó khăn, hãy chia nhỏ mục tiêu ra để thực hiện. Còn nếu bạn trì hoãn vì bạn thấy công việc nhàm chán, không có hứng thú thì hãy nhớ rằng, nếu thực hiện một công việc dài hơi mà chỉ dựa vào động lực, vào hứng thú thì bạn không thể kéo dài được. Có một thứ mạnh hơn cả động lực, đó chính là thói quen. Hãy tiếp tục việc bạn cần làm dù có thích hay không. Để xây dựng thói quen thành công, bạn tham khảo ở đây nhé.

1.4. Trì hoãn do tin rằng chúng ta chỉ làm việc tốt nhất khi có áp lực về thời gian

Nhiều người thường trì hoãn đến phút chót vì thích làm việc dưới áp lực. Cái cảm giác hoàn thành công việc ở ngay thời điểm deadline khiến bạn cảm thấy sảng khoái. Ví dụ bạn có 10 ngày để hoàn thành công việc. Ngày 1,2,3 đến 9 bạn vẫn chưa bắt tay vào làm. Đến ngày 10 bạn quên hết mọi sự trên đời, quên ăn, quên ngủ, quên giao lưu bạn bè, chỉ toàn tâm toàn ý với công việc. Và đến 5h chiều là deadline phải nộp thì 5h02′ bạn xong. Tinh tinh, bạn thấy thật tuyệt vời vì nhiệm vụ cũng đã hoàn thành. Kiểu gì rồi cũng sẽ hoàn thành. Chính sự hoàn thành đó mang lại cho bạn phấn chấn, và niềm tin rằng chỉ đến deadline bạn mới có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Bạn tiếp tục trì hoãn đến phút chót cho mọi công việc ở sau.

Nhưng bạn không biết rằng bạn đã đánh mất rất nhiều trong khoảng thời gian đó, mất ăn, mất ngủ, hao tổn năng lượng. Nếu cứ tiếp tục như vậy, lâu dần bạn sẽ không chỉ để đến ngày cuối cùng, mà đợi đến giờ cuối cùng mới làm. Khi đó chất lượng công việc không hề được đảm bảo, sức lực bạn bị rút cạn kiệt. Căng thẳng và stress sẽ đến hỏi thăm và làm bạn với bạn.

Có đáng để đánh đổi lấy vài phút giây của cảm giác “hoàn thành”, cảm giác “chiến thắng” hay không, hẳn bạn cũng đã nhận thấy.

1.5. Trì hoãn vì không thể đưa ra các quyết định

Bạn định làm một việc gì đó, nhưng bạn không chắc chắn rằng đây có phải là việc tốt nhất. Bạn tìm hiểu thêm các phương án khác, bạn hỏi bạn bè, bạn đọc thêm trên mạng. Hỏi xong rồi, bạn cũng không thể đưa ra được một phương án tốt nhất, vì bạn không lựa chọn phương án nào cả.

Có nhiều khi chỉ là mua một món đồ gì đó bạn cũng chần chừ không thể ra quyết định. Khi ấy, tốt nhất hãy tham khảo 3 phương án rồi chọn một. Bởi không có phương án nào là tốt nhất cả, chỉ có phương án phù hợp nhất với bạn ở thời điểm đó mà thôi. Hãy chấp nhận sai lầm (nếu có) và sửa sai còn hơn không lựa chọn và bạn sẽ hình thành thói quen không dám quyết định. Khi bạn dũng cảm chọn một phương án và bắt tay vào làm, phương án đó chính là phương án tốt nhất.

2. Làm thế nào để vượt qua trì hoãn?

2.1. Động lực

Động lực là sức mạnh bên trong con người, là năng lượng, sự nhiệt tình, niềm đam mê, khát khao, tham vọng thúc đẩy bạn hành động, tiếp tục hướng tới một mục tiêu nhất định và hoàn thành mục tiêu của mình.

Vì vậy để có động lực điều đầu tiên bạn cần làm là phải xác định rõ mục tiêu của bạn. Mục tiêu càng mạnh mẽ, động lực càng khát khao. Bạn không thể có động lực khi chưa rõ được mục tiêu của mình là gì.

Có 2 loại động lực khiến chúng ta hành động mạnh mẽ: động tích tích cực và động lực tiêu cực. Động lực tích cực là động lực dựa trên phần thưởng, còn động lực tiêu cực là động lực dựa trên nỗi sợ hãi. Cả hai loại động lực này đều khiến chúng ta hành động mạnh mẽ, thậm chí động lực dựa trên nỗi sợ hãi còn khiến chúng ta hành động mạnh hơn động lực dựa trên phần thưởng.

Ví dụ cùng là việc tập thể dục, người trẻ tập để có thân hình đẹp, đó là động lực dựa trên phần thưởng. Còn người lớn tuổi chăm tập thể thao vì nếu không tập sẽ đau lưng, đau vai…

Nếu bạn không làm vì phần thưởng vì bạn sẽ phải làm để tránh sự trừng phạt. Bạn chọn cách nào để tăng động lực cho bản thân mình?

2.2. Tin vào bản thân mình

Khi đã đặt ra mục tiêu, bạn phải tin vào bản thân mình, tin rằng mình sẽ làm được, bằng mọi giá. Ví dụ bạn định dậy vào lúc 5h sáng hàng ngày để thiền định và thực hiện các nghi lễ buổi sáng, bạn phải tin bạn có thể dậy được vào lúc 5h sáng. Chỉ cần một suy nghĩ nhỏ, kiểu như “Ôi mọi khi toàn 6h, 7h mới dậy thì nay làm sao dậy lúc 5h được”, là bạn sẽ chần chừ, rồi bỏ qua mục tiêu của mình.

Tiềm thức làm việc cực mạnh mẽ, nên hãy ghim vào tiềm thức của mình rằng, mình có thể làm được, mình sẽ làm được, bằng mọi giá mình phải làm được. Chính việc ghim vào tiềm thức này sẽ giúp bạn mạnh mẽ theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình, không trì hoãn, không chần chừ.

2.3. Xác định rõ việc gì không được phép làm

Trong quá trình theo đuổi mục tiêu, luôn có những việc khiến bạn sao lãng, trì hoãn. Bạn cần học cách nói không với những điều sao lãng nhưng đầy quyến rũ này. Nếu điều sao lãng là facebook, hãy để điện thoại ra khỏi tầm với. Nếu điều sao lãng là những đứa trẻ, hãy đóng cửa phòng và nói với chúng bạn cần tập trung trong vòng 1 hay 2 giờ đồng hồ. Nếu điều sao lãng là tâm trí không thể tập trung, hãy sắm một chiếc đồng hồ pomodoro và thực hiện phương pháp pomodoro để tập trung ít nhất là 25 phút như bài hướng dẫn trong link nhé.

2.4. Tạo môi trường không cho sự trì hoãn xuất hiện

Nếu bạn cảm thấy mình không thể vượt qua sự trì hoãn, bạn cần có người đồng hành. Môi trường không cho sự trì hoãn xuất hiện chính là một người đồng hành nghiêm khắc với bạn. Ví dụ bạn rủ bạn đồng nghiệp cùng làm việc mà bạn thường trì hoãn, họ sẽ là người nhắc nhở bạn.

Hãy rủ bạn cùng học, bạn cùng tiến và hai người nhắc nhở nhau để người này lười biếng, trì hoãn thì có người kia thúc giục, đôn đốc bạn.

Bạn có thể thuê PT để đồng hành cùng bạn bởi họ còn nghiêm khắc hơn cả bạn bè của bạn. Một PT tốt sẽ giúp bạn đi nhanh và đi xa hơn mong đợi của bạn. Tất nhiên, chi phí bỏ ra thuê PT đôi khi cũng sẽ là động lực giúp bạn hành động mạnh mẽ hơn bởi bạn không muốn lãng phí quá nhiều tiền của của chính bản thân mình.

Đó cũng là việc tốt, nên làm, phải không bạn!

2.5. Sử dụng sức mạnh tiềm ẩn của bản thân để hành động mạnh mẽ, đạt 100% năng suất

Mỗi khi chuẩn bị đi chia sẻ với học viên, mình thường chuẩn bị nội dung từ rất sớm. Đến khi hoàn thành khoảng 90% công việc, mình sẽ dừng lại. Và đến khi đến buổi chia sẻ, mình sẽ đến sớm khoảng 2,3h để tìm hiểu môi trường, học viên, và chuẩn bị nốt phần còn lại của bài giảng. Khi càng đến sát giờ giảng, ý tưởng càng ập đến nhiều, mình chuẩn bị càng hăng say và bài giảng của mình càng trở nên thăng hoa.

Nhưng mình không bao giờ đợi đến ngày đi giảng mới bắt đầu chuẩn bị. Mình chuẩn bị từ rất sớm và sử dụng 10% sức mạnh của việc chạy deadline để hoàn thành xuất sắc phần còn lại.

Nên nếu bạn nào thường hay để đến deadline mới làm thì cũng có thể áp dụng cách này. Nhưng hãy nhớ: Chuẩn bị trước luôn mang lại thành công. Hãy chỉ để lại 5-10% công việc cho giờ chót thôi nhé. Đó sẽ là phần sáng tạo, phần thăng hoa của công việc. Đừng để tất cả mọi việc đến giờ chót bởi khi đó bạn không kịp xoay sở đâu. Và khi đã không kịp xoay sở thì sẽ không có sáng tạo và cũng chẳng có thăng hoa.

2.6. Xây dựng chuỗi thói quen tích cực

Hãy nhớ rằng bạn không thể đến đích chỉ bằng động lực, cũng không thể đến đích chỉ bằng ý chí. Bạn cần thói quen. Thói quen sẽ đưa bạn đi xa hơn, chạm đến mọi điều bạn muốn.

Bạn đọc thêm tại đây về cách hình thành và duy trì thói quen tích cực nhé.

Chúc bạn chiến thắng thói trì hoãn và đạt được mục tiêu của mình!

Hãy chia sẻ thêm với mình về hành trình vượt qua trì hoãn của bạn ở dưới comment nhé!

******

Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:

🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang