Chữa lành mối quan hệ với mẹ

Nhắc đến mẹ bạn có cảm xúc gì? Yêu thương, kính trọng, trìu mến, ngưỡng mộ… hay tức giận, ghét bỏ, chán nản…? Nếu đó là những cảm xúc không dễ chịu, có thể bạn cần được chữa lành mối quan hệ với mẹ.

Mình đã từng được nghe tâm sự của nhiều thân chủ về những mối quan hệ cực kỳ mâu thuẫn giữa mẹ và con gái. Thậm chí có bạn nói rằng bạn ghét mẹ đến mức nhiều lúc đã nghĩ đến việc muốn g i e^’t bà. Lý do là vì bà luôn chê trách và đay nghiến, chì chiết và giận dữ. Bà chưa từng khen bạn một câu, bạn làm gì bà cũng chê, mọi nỗ lực của bạn đều chưa từng được ghi nhận. Với bà, bạn ấy không bao giờ là đứa con đủ tốt đẹp. Bạn ấy chưa từng dám sống với cảm xúc thật của mình, lúc nào cũng phải cố làm điều gì đó cho bà vui, nếu trái ý bà thì bà sẽ không giao tiếp, không nói chuyện với bạn ấy cả tuần, sẽ phớt lờ bạn ấy như thể bạn không tồn tại trong gia đình. Mối quan hệ của mẹ và bạn cực kỳ độc hại.

Bạn ấy nhiều lần ước được ra khỏi nhà, thuê trọ sống, nhưng cứ nói đến điều đó là mẹ bạn khóc, rồi chửi bới, rằng bà là bà mẹ vô phúc, đẻ con mà không dậy được con. Con ra ngoài sống thì họ hàng, hàng xóm sẽ chê trách bà là bà mẹ tồi đến nỗi con phải chuyển ra ngoài sinh sống. Mấy năm rồi bạn ấy vẫn chưa quyết định nổi việc tách ra ở riêng, dù về kinh tế bạn ấy có đủ điều kiện để sống độc lập.

Tại sao cần chữa lành mối quan hệ với mẹ?

– Dù bạn có thừa nhận hay không thì sự thật là bạn là mẹ và mẹ là bạn. Cho dù bạn có ghét một cách ứng xử nào đó của mẹ, bạn thậm chí thề sẽ không bao giờ hành xử như mẹ, nhưng rồi một cách vô thức, bạn vẫn copy y nguyên những cách hành xử của mẹ, thậm chí bạn copy cả suy nghĩ và cảm xúc của mẹ từ trong vô thức.

Ví dụ tôi đã từng cực kỳ ghét mẹ tôi vì cứ mỗi khi giận, mẹ tôi áp dụng chính sách “ngó lơ”, “bỏ mặc”, “kinh ghét” tôi ra mặt. Bà sẽ không thèm nói chuyện với tôi cả tuần liền. Bất cứ điều gì muốn nói với tôi bà sẽ nói với ai đó trong gia đình để người đó truyền đạt lại cho tôi. Bà tỏ ra khinh ghét tôi đến mức “Tao không thèm nói chuyện với mày. Tao ghét mày”. Tôi cảm thấy cực kỳ ghét bỏ cái cách hành xử này, bởi nó khiến tôi có cảm giác bị bỏ rơi, bị phớt lờ, tôi là đứa con vô hình không tồn tại trong mắt mẹ. Với trẻ con, đây là điều cực kỳ đáng sợ hãi.

Thế rồi một ngày kia khi đã có con, trong lúc con tôi không nghe lời tôi nói, tôi cũng đã tỏ thái độ giận dỗi với con mình, và nó gọi tôi câu nào tôi cũng không thưa. Đến khi con không gọi tôi nữa, sự im lặng bao trùm toàn bộ không gian, tôi chợt nhận ra rằng tôi đã hành xử y như mẹ tôi đã làm với tôi nhiều năm trước, và tôi đã tổn thương như thế nào trong sự im lặng bao trùm đó. Tôi ôm con mình khóc, tôi nhìn thấy mình trong phiên bản của con, và nhìn thấy mẹ trong phiên bản của mình.

Tôi chỉ muốn kể rằng, tôi dù không muốn, cũng đã copy nguyên vẹn cách hành xử của mẹ mình. Tôi không thể chối bỏ rằng có rất nhiều hành vi của tôi là được tập nhiễm từ mẹ của mình.

Vì vậy, nếu không chữa lành mối quan hệ với mẹ, tất cả những gì tôi ghét ở mẹ, chính lại là những gì tôi thấy ở chính mình. Tôi rồi cũng ghét chính mình thôi. Chữa lành mối quan hệ với mẹ cũng là chữa lành mối quan hệ với bản thân mình.

– Mẹ chính là hình mẫu đầu tiên về tính nữ cho mình. Khi mối quan hệ của bạn với mẹ không tốt, tính nữ trong bạn cũng bị tổn thương. Bạn sống lệ thuộc cảm xúc, luôn gồng cứng cả cơ thể và cảm xúc. Bạn khó để thả lỏng, khó có thể vui tươi, hồn nhiên, và bạn cũng không thể yêu thương vô điều kiện.

– Mẹ là đại diện cho cảm xúc. Khi mối quan hệ của bạn với mẹ bị tổn thương, cảm xúc trong bạn cũng ngập tràn thương tổn. Bạn thường xuyên phớt lờ cảm xúc của mình để hành động theo cách mà người khác muốn. Vì không chăm sóc tốt cho cảm xúc và nhu cầu, bạn hoặc dễ giận dữ, hoặc dễ bỏ mặc, thờ ơ.

– Mẹ là đại diện cho sự thịnh vượng. Khi bạn và mẹ không có sự kết nối, mối quan hệ của bạn với tiền bạc và sự thịnh vượng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bạn không có khả năng đón nhận, tận hưởng sự thịnh vượng. 

– “Khi đứa trẻ bị phán xét, nó không ngừng yêu thương cha mẹ, nó ngừng yêu thương chính mình”. Nếu bạn và mẹ không được chữa lành, bạn sẽ chán ghét chính bản thân mình, luôn hành động và tìm kiếm tình yêu bên ngoài bản thân. Suốt cuộc đời, chúng ta cứ như đứa trẻ lên ba mãi mãi không thể lớn, chúng ta đi tìm tình yêu thương của cha mẹ ở mọi đối tượng khác nhau. Chúng ta là những đứa trẻ ăn xin tình yêu.

– Cách mẹ bạn hiện diện với bạn như thế nào cũng là cách bạn hiện diện với những người xung quanh. Nếu bạn thường xuyên có những mối quan hệ mâu thuẫn, bạn không cởi mở với mọi người, bạn xa cách mọi người…. Đó đều là cách mẹ bạn hiện diện với bạn. Nếu bạn muốn trở nên mềm mỏng hơn, dịu dàng hơn với mọi người, từ tận gốc rễ của vấn đề, bạn phải chữa lành mối quan hệ với mẹ của mình trước tiên.

Tại sao mối quan hệ của bạn với mẹ bị tổn thương?

– Mẹ bạn yêu thương bạn theo cách của bà, không phải cách mà bạn muốn. Tôi tin mẹ nào cũng yêu con, nhưng có thể chính bà cũng không biết tình yêu thực sự là gì, và do đó bà yêu bạn theo cách sở hữu, theo cách độc đoán, theo cách chỉ huy, theo cách hủy hoại.

– Bạn không cảm nhận được tình yêu của bà dành cho bạn. Ở mỗi một độ tuổi khác nhau, bạn có những nhu cầu khác nhau. Những nhu cầu này không được mẹ đáp ứng hoặc đáp ứng một cách méo mó sẽ khiến bạn phải tự điều chỉnh cảm xúc và nhu cầu của mình. Mối quan hệ của bàn và mẹ cũng méo mó theo.

Chữa lành mối quan hệ với Mẹ như thế nào?

– Việc đầu tiên là bạn phải được tự do. Tự do sẽ đưa con người đến những chân trời mới. Tự do cũng khiến chúng ta bao dung hơn, độ lượng hơn. Nếu bạn chưa được tự do, bạn còn bị xâm lược, còn phải sống dưới ách đô hộ. Mọi chế độ, chính sách, luật pháp cũng sẽ thuộc về tay người cầm quyền. Bạn hiểu ý mình chứ? Bạn không thể làm gì cho mình nếu chưa được tự do.

Bạn cũng đừng sợ là đứa con bất hiếu nếu bạn đòi tự do. Chỉ có sự tự do mới khiến bạn phát triển. Và chỉ có sự phát triển bản thân, chữa lành cho chính mình, bạn mới quay lại yêu thương và trân trọng mẹ bạn. Lúc này tình yêu mẹ trong bạn hồi sinh và phát triển. Tình yêu này không bị trói buộc dưới những chiều kích của “đạo đức”. Tình yêu này là tự nguyện.

Việt Nam và Mỹ cũng chỉ bình thường hóa quan hệ sau một thời gian Việt Nam hoàn toàn tự do, độc lập.

– Trở thành cha mẹ nội tâm của mình: Hãy xem bạn và mẹ tổn thương trong những tình huống nào, và với mỗi tình huống đó, bạn hãy là người mẹ nội tâm của mình, vỗ về và an ủi em bé trong bạn, để em bé được giải phóng hết những cảm xúc tiêu cực đã cất giữ nhiều năm. Với cách này, em bé trong bạn sẽ được chữa lành bởi tình yêu thương và sự chấp nhận của chính bạn.

– Hãy nghĩ về hình mẫu người mẹ trong mơ. Bạn muốn Mẹ mang đến cho bạn điều gì? Bạn muốn trải nghiệm điều gì về Mẹ? Với tôi, tôi không mong ước gì hơn là được sự chấp nhận của mẹ. Cả tuổi thơ tôi cố gắng học giỏi nhất lớp, cố gắng là lớp trưởng, cố gắng chăm chỉ làm việc nhà… chỉ để mẹ tôi vui, mẹ mỉm cười với tôi, mẹ chấp nhận tôi. Tôi khao khát sự chấp nhận của mẹ. Vì vậy tôi sẽ là người mẹ trong mơ của chính tôi, tôi sẽ chấp nhận chính mình, tôi sẽ mỉm cười với tôi mỗi khi soi gương, mỉm cười mỗi khi có thành tích tốt, mỉm cười cả khi tôi làm sai. Tôi trở thành người mẹ tâm lý của chính mình.

– Hãy xem cách mẹ bạn cảm thấy như thế nào về chính bản thân bà? Bà có coi trọng bà không? Bà có đánh giá cao bản thân bà không? Nếu mẹ không chấp nhận chính mình, bạn cũng không chấp nhận chính bạn, bởi như mình nói, bạn và bà có chung cảm xúc, chung suy nghĩ, dù bề mặt là sự từ chối nhau.

Mẹ từ chối điều gì ở mẹ thì bạn hãy chấp nhận điều đó ở chính bạn. Mẹ chê ngoại hình của mẹ thì bạn hãy chấp nhận, yêu thương, khen ngợi ngoại hình của mình, nhìn thấy những điểm tích cực ở ngoại hình của mình.

Tái kết nối với mẹ của mình

 

Ảnh: sưu tầm

Khi đã được chữa lành, khả năng chấp nhận mẹ cao hơn. Bạn không còn cảm thấy sợ hãi và ghét bỏ mẹ mình nữa. Bạn dần tái kết nối với mẹ của mình. Và đó cũng là cách bạn tái kết nối với chính mình.

– Hãy tự hỏi mình rằng nếu bạn sinh ra trong gia đình như gia đình ông bà ngoại bạn, rối lấy chồng như bố bạn và sinh con đẻ cái, điều tốt nhất bạn có thể làm là gì? Bạn có hành xử như mẹ bạn không? Mẹ đã làm tốt ở điểm nào? Và nếu là mẹ bạn, bạn sẽ làm khác đi như thế nào?

Hãy tìm hiểu về mẹ. Cố gắng hiểu rõ hơn về cuộc đời, sở thích và quá trình lớn lên của mẹ. Điều này giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về mẹ và mối quan hệ của bạn với mẹ.

Không ai sinh ra đã hoàn hảo, mẹ của bạn cũng chật vật với những tổn thương của mẹ, và cả đời bà có thể không bao giờ chạm tới được hai từ “chữa lành”. Đó là hành trình bà cần phải trải qua trong đời bà. Bạn có sẵn lòng hỗ trợ bà không? Nếu bạn trả lời có, nghĩa là bạn đã được chữa lành rất nhiều. Nếu vẫn trả lời chưa, hãy cứ quay lại làm việc với nội tâm của mình. Mẹ vẫn sẵn sàng chờ đến khi bạn được chữa lành, được tỏa rạng.

– Tạo thời gian giành cho nhau: Dành thời gian chất lượng cùng với mẹ của mình. Như là thực hiện các hoạt động yêu thích như cùng mẹ nấu ăn, đưa mẹ đi du lịch đâu đó.

– Giải quyết xung đột một cách xây dựng: Nếu có xung đột, hãy cố gắng giải quyết chúng một cách xây dựng và không gây thương tổn. Thảo luận vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhau, và tìm giải pháp tốt nhất cho cả hai. Thậm chí, hãy quay về làm việc với nội tâm của mình. Hãy nhớ nếu còn xung đột là bạn còn cần làm việc với nội tâm của mình, bài học chữa lành của bạn vẫn còn những bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Bạn chưa hoàn toàn qua bài học này.

– Bền bỉ và kiên nhẫn: Mối quan hệ gia đình không thể được cải thiện trong một ngày. Đôi khi, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ. Hãy làm việc từng bước một và không bao giờ từ bỏ hy vọng vào khả năng chữa lành mối quan hệ với mẹ của mình. 

Nguyện cầu bạn và mẹ đều được chữa lành!

Hãy để lại bình luận của bạn trong quá trình chữa lành với mẹ, mình sẽ trả lời comment nhanh nhất có thể nhé.

Mời bạn xem video dưới đây về Chữa lành mối quan hệ với mẹ nhé!

******

 

 

Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:

 

 

🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

 

 

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

 

 

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

 

 

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

 

 

🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang