Tạo dựng di sản cảm xúc của bạn

Bệnh viện là nơi chứa đầy sự cáu kỉnh, giận dữ, lo âu, và cả khiếp sợ.

Mình vừa trải qua gần tháng trời đi đi về về chăm bệnh nhân trong viện, và mình có cơ hội để chứng kiến, để trải nghệm quá nhiều những cung bậc cảm xúc đó – Những cung bậc cảm xúc khó của người bệnh, và cả của người nhà bệnh nhân.

Trước những ca phẫu thuật, là lo âu, sợ hãi. Sau những ca phẫu thuật, là cáu kỉnh, là giận dữ.

Con ơi, cho mẹ đi vệ sinh

Bà còn hành tôi đến bao giờ nữa! Bà ác nó vừa thôi, đêm hôm không cho tôi ngủ à!

Con ơi cho mẹ nghiêng người chút, mẹ đau quá.

Bà nằm yên đi cho tôi nhờ. Bà kêu nó vừa vừa thôi.

Nhiều hôm ngồi trong phòng điều trị nội trú, mình cứ tự hỏi, chị ấy đã phải trải qua những gì trong cuộc đời, mà chị ấy có nhiều cảm xúc khó với mẹ chị thế…

Và nếu một mai chị ấy là người nằm trên giường bệnh, con chị ấy sẽ nói như thế nào với chị?

*** ***

Trước đây mình nghĩ, bảo hiểm tương lai cho người già, là sức khoẻ và tài chính để khi không có sức khoẻ, thì dùng tiền đó, đi mua sức khoẻ .

Nhưng hôm nay mình nhận ra có một thứ còn quan trọng hơn sức khoẻ và tiền bạc. Bảo hiểm tương lai cho người già còn là di sản cảm xúc của chính bạn.

*** ***

“Di sản cảm xúc” là cách mà chúng ta được đối xử trong quá khứ và cách đối xử như vậy ảnh hưởng đến việc xử lý các tình huống cảm xúc hiện tại.

Di sản cảm xúc ảnh hưởng đến cách bạn thể hiện cảm xúc và cách bạn tương tác, kết nối với những người xunh quanh. Nó cũng ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận, giải thích và phản hồi các tương tác của người khác.

*** ***

Mỗi cá nhân thường cảm thấy và phản ứng khác nhau trong các tình huống tương tự nhau. Điều đó có thể là do di sản cảm xúc của chúng ta góp phần vào sự khác biệt này.

*** ***

Giả sử bạn đến công sở và sếp bạn nói với bạn “Hẹn em lúc 9h nhé. Chúng ta cần phải thảo luận”. Phản ứng đầu tiên của bạn là gì? Thích thú, phấn khích? Hay lo âu, sợ hãi?

Câu trả lời của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như (1) Hiệu suất công việc của bạn; (2) Cách sếp bạn thường trò chuyện với bạn trước nay; và cũng có khả năng ảnh hưởng bởi (3) Di sản cảm xúc của bạn.

Có thể có người hào hứng với cuộc hẹn, nhưng không ít người cảm thấy lo lắng, thậm chí sợ hãi, cho dù hiệu suất công việc của họ vẫn luôn rất tốt.

Cảm xúc lo lắng này là do di sản cảm xúc của họ chi phối. Có thể từ trước đến nay, trong gia đình họ, hiếm có những cuộc giao tiếp, chuyện trò thân mật. Họ chỉ được “hẹn” nói chuyện như vậy mỗi khi có “chuyện lớn”. Và sau mỗi “cuộc hẹn” đó, là vô vàn những cảm xúc khó mà một mình họ phải xoay sở.

Vì vậy họ sẽ rất sợ hãi trước mỗi cuộc hẹn mà không được nói trước về mục đích, cho dù đó là hẹn với ai đi chăng nữa.

*** ***

Di sản cảm xúc bao gồm lịch sử cảm xúc của bạn, triết lý cảm xúc của gia đình bạn và những trải nghiệm (tích cực hoặc tổn thương) lâu dài của bạn.

Bởi vì di sản cảm xúc bị ảnh hưởng bởi cách ta được dậy, được đối xử trong quá khứ và cách đối xử như vậy lại ảnh hưởng đến việc xử lý các tình huống cảm xúc hiện tại, nên một cách vô thức, chúng ta lại truyền “di sản” này cho con cái của mình.

Mình giận dữ trước những cảm xúc khó, con mình cũng sẽ rất khó có thể dịu dàng với cảm xúc khó được. Mình cấm không cho con mình kêu khóc khi con mình đau, con mình cũng khó có thể chấp nhận mình kêu la khi đau. Mình vả cho con phát vì tội chạy chơi còn tự ngã, con mình cũng khó có thể dịu dàng “mẹ ngã đau lắm à, để con chăm sóc vết đau cho mẹ nhé!”.

Tuy nhiên di sản cảm xúc là thứ chi phối, chứ không mang tính quyết định cảm xúc và hành vi ở hiện tại của bạn. Chúng ta vẫn có thể học cách điều chỉnh hành vi và cảm xúc của mình.

*** ***

Mình cực kỳ nể phục những người có thể dịu dàng trong một thế giới đã từng khắc nghiệt với họ, vì bản thân họ phải rất nỗ lực, học hỏi, điều chỉnh cảm xúc và hành vi rất rất nhiều. Họ đã không chấp nhận và thừa hưởng di sản cảm xúc được trao tặng. Họ đã rẽ ra khỏi lối mòn của gia đình, của thế hệ.

Nhưng nhiều người không như vậy, họ hành động một cách tự động, vô thức.

*** ***

Vậy nên khi bạn chưa già, đừng hành xử một cách vô thức nữa, hãy dành thời gian nhìn lại di sản cảm xúc của bạn, để điều chỉnh và học cách cải thiện các mối quan hệ hiện tại và tương lai, đặc biệt là các mối quan hệ với người thân trong gia đình.

Không có chuyện chúng ta muốn làm gì thì làm với con cái mình, rồi sau đó đòi hỏi con cái trả “Hiếu”.

Khi mình điều chỉnh cách phản ứng bị chi phối bởi di sản cũ với những cảm xúc khó, suy cho cùng, cũng là để cho mình thôi. Đó là cách để tạo ra “di sản” mới cho mình, và người thân quanh mình. Và đó là cách đầu tư vào quỹ bảo hiểm tương lai của mình.

*** ***

Bảo hiểm tương lai, với mình, gồm:

(1) Chăm sóc sức khỏe tốt: không xài sức khoẻ một cách tuỳ tiện hay bỏ mặc sức khoẻ đợi đến già mới chăm sóc.

(2) Tài chính: Có một chút tiền dư đủ sống thanh bạch và chăm sóc sức khoẻ khi không còn khoẻ.

(3) Di sản cảm xúc: xây dựng những cách phản ứng phù hợp với những cảm xúc khó, dù cho trước đây mình sống trong môi trường như thế nào, đã từng được đối xử như nào đi nữa. Điều này giúp xây dựng những mối quan hệ hài hoà với người thân và những người xung quanh.

(4) Công việc, học tập: Tìm được một công việc mình yêu thích, mang tính cống hiến xã hội và theo đuổi, học tập cho đến già, để không trở thành người già vô tích sự.

Nguyện cho chúng ta luôn tràn ngập tình yêu thương.

********

Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:

🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim

⁠⁠⁠⁠⁠🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang