Khủng hoảng tâm lý là điều ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống. Làm thế nào để vượt qua được khủng khoảng tâm lý, vượt qua được những cú sốc của cuộc đời?
Mục lục
Tôi không tin điều mình đang phải trải qua, tôi cứ nghĩ đó chỉ là ảo mộng. Tôi né tránh hiện thực bằng việc cứ nhắm mắt vào là những kỷ niệm cũ lại ùa về. Giá mà chúng tôi còn có thể bên nhau hạnh phúc. Mở mắt ra tôi hiểu rằng đó chỉ là mộng ước. Tôi hiểu rằng mình cần dứt ra khỏi ảo mộng và đối mặt với hoàn cảnh hiện tại, với cảm xúc hiện tại, với suy nghĩ hiện tại. Tôi hiểu rằng “chúng ta không được quyền lựa chọn điều xảy ra với mình, nhưng chúng ta có quyền quyết định cách mình phản ứng với những điều mình phải đối mặt”.
Làm sao để vượt qua khủng hoảng tâm lý, đối mặt với những “bão giông cuộc đời?”
Việc đầu tiên là phải chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đương đầu với mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống của mình. Tôi luôn tin câu nói rằng: Cuộc sống như một vở kịch, quan trọng không phải độ dài hay ngắn, mà ở sự xuất sắc của tài năng diễn xuất. Bước vào đời là bạn nhập vai. Là giám đốc hay là lao công, là góa phụ hay là người hạnh phúc cũng chỉ là một vai diễn cuộc đời mà thôi. Sau gần trăm năm diễn xuất, rũ bỏ vai, màn nhung khép lại, ai rồi cũng về với cát bụi. Thế nên tôi luôn sẵn sàng với mọi vai diễn cuộc đời. Cứ được giao vai nào tôi sẽ diễn cho trọn vẹn vai đó. Cứ tròn vai diễn, cứ rực rỡ là được.
Đương nhiên vở kịch cuộc đời để hấp dẫn thì vai này bình an sẽ phải có vai kia giông bão. Cứ đón nhận hết thôi. Tách mình ra khỏi hoàn cảnh, để nhìn nhận hoàn cảnh đấy như là một vai diễn cuộc đời, không hơn không kém, bạn sẽ bớt đau đớn khi phải nhận vai. Bạn không còn oán thán như thể bạn là nạn nhân bất hạnh, cũng không chán nản từ chối vai diễn. Hãy cứ đón nhận với một tâm thế sẵn sàng với mọi thử thách. Khi bạn đủ mạnh để đối diện với tình huống thử thách, bạn sẽ thấy tình huống đó luôn ẩn chứa những bài học vô cùng thú vị. Mọi bài học đều giúp bạn trưởng thành hơn mà thôi.
Khi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, bạn hãy thực hiện các bước sau để vượt qua khủng hoảng tâm lý, đi qua khó khăn, vượt mọi bão giông cuộc đời nhé
1. Xả cảm xúc
Đối diện với giông bão cuộc đời, đừng hỏi nhau cách kiềm chế cảm xúc. Hãy học cách xả cảm xúc một cách lành mạnh nhất. Khi bão giông, cảm xúc rất hỗn độn và phức tạp. Nếu muốn khóc hãy cứ khóc. Hãy dành thời gian cho chính mình, lắng nghe, gọi tên, viết ra tất cả những cảm xúc mà bạn đang có trong lòng. Thường thì tôi sẽ dành buổi sáng sớm và tối trước khi đi ngủ, viết tất cả những gì mình cảm, mình thấy, mình đau, mình buồn…ra một cuốn sổ. Viết không cần đọc lại, viết chỉ để xả mà thôi. Viết là liệu pháp cực kỳ hay mà các bạn không nên bỏ qua ở giai đoạn này. Tôi sẽ chia sẻ cụ thể hơn về Liệu pháp viết ở bài sau nhé. Viết giúp mớ bòng bong trong đầu, sự hỗn loạn trong tim được xả ra, đem vô thức biến thành ý thức, và rồi điều chỉnh được tâm trạng của mình. Tùy mức độ của bão giông mà giai đoạn này diễn ra ngắn hay dài, có thể vài giờ, vài ngày, vài tuần, có thể là cả tháng luôn. Nghĩ lại những ngày đã qua, với vai diễn cuộc đời mình thật bi tráng, bỗng thấy thương mình lắm luôn (ôm ôm chính mình).
Bạn có thể tham khảo khóa học về làm bạn với cảm xúc tại đây nhé.
2. Nạp yêu thương
Khi cảm xúc đã được xả ra một cách lành mạnh, lúc này bạn nên nạp vào những cảm xúc tích cực và yêu thương. Bạn nên tự hỏi bản thân mình: “Làm thế nào để thoát khỏi trạng thái này?”. Hãy chăm sóc bản thân mình một cách tốt nhất có thể.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn trước kia, đã có những ngày tôi bỏ bê bản thân, ăn không thấy ngon, tập tành lười biếng, sách không đọc nổi một trang, đàn không gẩy nổi một nốt thì giai đoạn này tôi thiết lập lại những thói quen tốt đẹp đó. Khi tâm trạng nặng trĩu, tay chân sẽ không muốn nhấc lên để làm việc gì đó cho chính bản thân mình. Tôi luôn tự nhủ, một chút thôi, cứ bắt đầu đã, không cần biết sẽ kéo dài bao lâu. Thế là tôi bắt đầu quay lại với việc trồng hoa, chăm cây. Gẩy đàn, đọc sách… Vì có sẵn tâm thế mọi việc xảy ra chỉ là bài học cho một vai diễn, nên tôi thoát khỏi trạng thái không dễ chịu khá nhanh để chuyển sang giai đoạn yêu thương và chăm sóc bản thân này.
3. Nhìn lại những gì đã xảy ra
Ở giai đoạn này, khi đã có trong mình sự yêu thương và trân quý bản thân, tôi dành thời gian để nghiền ngẫm và rút ra bài học cho bản thân.
Tôi sẽ phải trả lời cho bằng được 6 câu hỏi sau:
– Mình đã làm gì để bão “giông xảy” ra?
– Mình đã KHÔNG làm gì nên “bão giông” xảy ra?
– Điều này có gì tốt?
– Bài học và ý nghĩa được rút ra là gì?
– Mình cần làm gì để điều tương tự không xảy ra?
– Nếu điều tương tự xảy ra mình sẽ làm gì?
Mức độ sâu sắc của các câu trả lời sẽ giúp bạn nhận ra bài học một cách tinh tế. Nếu còn vấp phải tình huống tương tự và bạn vẫn ngập trong những cảm xúc tương tự, có nghĩa là bạn chưa rút ra được bài học cho bản thân mình. Nhưng bạn nên nhớ rằng tình huống càng khó, bài học càng thú vị. Bài học nào cũng đều giúp bản thân bạn nâng mình lên tầm cao mới.
Quan trọng là, hãy dành đủ thời gian cho mình, hãy dịu dàng với chính mình để vượt qua từng giai đoạn một cách êm ái nhất có thể. Giai đoạn trước diễn ra một cách suôn sẻ sẽ là bàn đạp để bước sang giai đoạn sau nhẹ nhàng.
Và điều quan trọng nữa, hãy luôn tự nhủ: “Nếu Thượng Đế không giúp mình, thì có nghĩa là Thượng Đế tin vào năng lực của mình”. Hãy tin rằng bạn có đủ năng lực để lướt sóng cảm xúc, vượt qua bão giông, biến những khủng hoảng tâm lý thành cơ hội học tập và phát triển.
******
Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:
🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van
🍀Blog: https://goroitraitim.com
🍀Youtube: https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim
🍀Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim
🍀Group facebook: https://www.facebook.com/groups/goroitraitim