Ba trạng thái cái tôi: Chìa khóa để chữa lành thực sự

Những năm gần đây, cụm từ “chữa lành đứa trẻ bên trong” trở nên quen thuộc trong các cuộc trò chuyện về tâm lý. Đó là một trào lưu tích cực – nhắc nhở chúng ta quay về chăm sóc phần dễ tổn thương nhất trong chính mình. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở “đứa trẻ bên trong” mà không hiểu rõ về ba trạng thái cái tôi – Cha Mẹ, Đứa Trẻ và Người Trưởng Thành – thì quá trình chữa lành có thể vẫn chưa trọn vẹn.

1. Ba trạng thái cái tôi – bạn là ai khi đang phản ứng?

Khái niệm này đến từ nhà tâm thần học Eric Berne, người khai sinh ra Liệu pháp phân tích tương tác (Transactional Analysis). Theo ông, trong mỗi người đều tồn tại song song ba “trạng thái cái tôi”:

Cha Mẹ: là phần bên trong bạn lặp lại thái độ, hành vi và cảm xúc của những người nuôi dạy bạn. Đó có thể là sự bảo bọc, nâng niu, nhưng cũng có thể là sự chỉ trích, áp đặt.

Đứa Trẻ: là phần cảm xúc nguyên sơ, sống động và giàu trực giác. Đây chính là phần dễ bị tổn thương, cũng là nơi cư trú của niềm vui và tính sáng tạo.

Người Trưởng Thành: là “bộ xử lý trung tâm” – phân tích khách quan, đưa ra phản ứng phù hợp với hiện tại, không bị lôi kéo bởi cảm xúc quá khứ hay thói quen từ thời thơ ấu.

Ba trạng thái này hoạt động như ba nhân vật trong một vở kịch nội tâm – luân phiên nắm quyền điều khiển suy nghĩ và hành vi của bạn. Khi hiểu rõ “ai” đang kiểm soát mình tại mỗi thời điểm, bạn mới có thể lựa chọn một cách phản ứng lành mạnh và trưởng thành hơn.

2. Khi Cha Mẹ bên trong bạn lên tiếng…

Hành vi của bạn đôi khi không phải là “bạn”, mà là sự lặp lại từ cha mẹ mình. “Mỗi người đều mang trong mình cha mẹ của mình” .

Tôi từng chứng kiến em trai mình nổi giận với con, mặt đỏ gay, giọng quát lớn. Dù em không đánh con, nhưng tôi chợt nhận ra – ánh mắt, cơ thể run rẩy vì tức giận – tất cả giống hệt bố tôi năm xưa. Một kiểu “truyền thừa cảm xúc” vô thức, không ai dạy mà vẫn học được. Đó là trạng thái cái tôi Cha Mẹ đang lên tiếng – dù em tôi không hề cố ý.

Cha Mẹ bên trong bạn có thể rất nghiêm khắc, nhưng cũng có thể đầy dịu dàng. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình điềm tĩnh, có thể khi tức giận, bạn vẫn biết cách hít sâu và phản hồi trong sự bình thản. Khi ấy, bạn cũng đang hành động từ trạng thái Cha Mẹ – nhưng là một phiên bản lành mạnh.

Trạng thái Cha Mẹ được thể hiện bằng hai hình thức:

* Trực tiếp (trạng thái tích cực): Lúc này bạn phản ứng như cha mẹ thực của bạn phản ứng.

* Gián tiếp (như một nguồn ảnh hưởng): Lúc này bạn phản ứng như cách mà cha mẹ muốn bạn phản ứng. Lúc này bạn biến thành mong muốn của cha mẹ.

3. Khi Người Trưởng Thành vào cuộc …

Một cách thông dụng nhất thì “Mỗi người đều mang trong mình một người trưởng thành”. Khi ở trạng thái Trưởng Thành, bạn hành động khách quan, chủ động về tình huống và diễn đạt hay những kết luận mà bạn rút ra, theo một cách không phán xét.

Người Trưởng Thành trong bạn không phán xét, không buộc tội, không nổi loạn. Đó là phần bạn có thể phân tích dữ liệu, nhìn rõ vấn đề và đưa ra phản ứng hợp lý – không bị dẫn dắt bởi tổn thương cũ hay kỳ vọng vô thức.

Người Trưởng Thành biết khi nào nên im lặng, khi nào nên đặt câu hỏi, khi nào nên ôm lấy nỗi buồn, và khi nào cần đặt ranh giới. Phần này chính là “điểm tựa nội tâm” để bạn kết nối lại với sự trưởng thành đích thực – không phòng thủ, không giả vờ, không né tránh.

Ai cũng có một người Trưởng Thành khôn ngoan, hoàn thiện cần được khám phá và kích hoạt.

4. Khi Đứa Trẻ tổn thương trong bạn bật khóc …

Đứa Trẻ trong bạn có thể rất vui tươi – nó là nơi bạn cảm thấy xúc động, sáng tạo, hồn nhiên. Nhưng đó cũng là phần dễ bị tổn thương, dễ giận dỗi, sợ bị bỏ rơi, sợ bị từ chối. Khi bạn ghen tuông quá mức, giận hờn vô lý, hoặc cảm thấy “mình không đủ tốt” – rất có thể là Đứa Trẻ trong bạn đang bị kích hoạt.

Chúng ta đều có những Đứa Trẻ bên trong chưa được lắng nghe. Và nhiều khi, chính những Đứa Trẻ tổn thương đó điều khiển toàn bộ đời sống cảm xúc của ta.

Trạng thái Đứa Trẻ cũng có hai hình thái:

– Đứa trẻ thích nghi: Điều chỉnh hành vi của mình dưới sức ảnh hưởng của cha mẹ. Đứa trẻ này hành xử như cha mẹ anh ta muốn.

– Đứa trẻ tự nhiên: thể hiện sự tự nhiên không gò bó, ví dụ đầy sức sáng tạo hoặc nổi loạn

5. Chuyển đổi trạng thái – nghệ thuật giao tiếp và chữa lành

Giao tiếp không chỉ là lời nói – mà là sự tương tác giữa các trạng thái cái tôi.

Khi bạn giao tiếp với một ai đó, trạng thái cái tôi của bạn tương tác với cái tôi của người kia. Lúc này bạn cần biết trạng thái cái tôi nào đang tham gia vào quá trình giao tiếp, tương tác giữa hai người.

Giao tiếp ổn thoả nhất là giao tiếp mà ở đó cả khích lệ và hồi đáp đều được mang đến từ Người Trưởng Thành của các bên.

Bạn giận một người bạn vì họ lạnh nhạt. Họ thì phản ứng như một đứa trẻ tổn thương: “Cậu thì giỏi rồi, đâu cần mình nữa!”. Nếu bạn cũng đáp lại như một đứa trẻ (giận lại, bỏ đi), cuộc xung đột sẽ leo thang. Nhưng nếu bạn chuyển sang trạng thái Người Trưởng Thành và phản hồi với sự thấu cảm, bạn sẽ giúp Đứa Trẻ trong người kia được xoa dịu.

Tôi đã từng làm vậy với một người bạn – khi cậu ấy nói câu ấy, tôi lùi lại một nhịp và nhẹ nhàng nói:

“Mình nghĩ có lẽ cậu đang buồn. Chúng mình nên nói chuyện kỹ hơn… nhưng sau khi ăn cơm đã, mình đói quá rồi. Đi ăn nhé?”

Các kiểu giao tiếp bổ sung cũng rất tốt cho nhau. Những giao tiếp bổ sung cho nhau đều suôn sẻ cho dù là họ đang chỉ trích nhau (Cha Mẹ – Cha Mẹ), giải quyết một vấn đề (Người Trưởng Thành – Người Trưởng Thành) hay chơi đùa cùng nhau (Cha Mẹ – Đứa Trẻ hay Đứa Trẻ – Đứa Trẻ).

Ngược lại giao tiếp này sẽ trở nên khó khăn khi các tương tác này là phần tổn thương trong nhau. Hai đứa trẻ chơi với nhau có thể rất vui, nhưng hai đứa trẻ tổn thương sẽ có rất nhiều giận hờn, cãi vã, đau đớn.

Sự chuyển đổi trạng thái một cách ý thức chính là bước đầu tiên để hàn gắn, không chỉ các mối quan hệ bên ngoài mà còn chính mối quan hệ bên trong bạn.

6. Vậy bạn cần chữa lành phần nào?

Không phải lúc nào bạn cũng cần “chữa lành đứa trẻ bên trong”. Có khi điều bạn cần là giải phóng khỏi một hình mẫu Cha Mẹ độc hại đang kiểm soát vô thức. Và cũng có lúc bạn cần củng cố lại phần Người Trưởng Thành – để đứng vững và tự lựa chọn con đường của mình.

Càng quan sát bản thân nhiều hơn sau mỗi phản ứng cảm xúc, bạn sẽ dần nhận ra:

“Mình đang là ai? Mình đang phản ứng từ đâu? Và mình có thể lựa chọn phản ứng khác không?”

Khi ấy, hành trình chữa lành của bạn sẽ không còn mơ hồ, mà bắt đầu rõ ràng – với sự tỉnh thức, chủ động và trọn vẹn hơn.

7. Tham khảo thêm về Ba trạng thái cái Tôi

Đứa trẻ là sự sáng tạo, niềm vui thích, trực giác, tự nhiên.

Người Trưởng Thành là trạng thái cần thiết cho việc sống còn. Nó xử lý dữ liệu và tính toán những khả năng cần thiết để đối phó hiệu quả với thế giới bên ngoài. Nhiệm vụ khác của Người Trưởng Thành là điều chỉnh các hoạt động của Cha Mẹ và Đứa Trẻ, dàn xếp một cách khách quan giữa hai trạng thái này.

Cha Mẹ có chức năng giúp cá nhân hành xử hiệu quả như chính bậc cha mẹ của trẻ em. Bên cạnh đó nó khiến cho nhiều phản ứng là vô thức, giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng. Nó giúp Người Trưởng Thành khỏi sự cần thiết phải ra nhiều quyết định không quan trọng.

Ba trạng thái này đều có giá trị sống và sinh tồn cao, và chỉ khi một hay nhiều trong số này phá vỡ sự cân bằng lành mạnh thì mới cần các phân tích và sắp xếp lại cụ thể.

Để ngắn gọn hơn, tôi sẽ gọi các trạng thái cái tôi này là Đứa Trẻ, Trưởng Thành và Cha Mẹ.

Nếu muốn biết mình cần phải chữa lành phần tổn thương nào, liên hệ Gỡ Rối Trái Tim để được đánh giá, gỡ rối và chữa lành bạn nhé.

******

🍀 Vui lòng liên hệ hotline 096 385 3883 hoặc email goroitraitim@gmail.com để đặt lịch hẹn tư vấn – trị liệu tâm lý tại Gỡ Rối Trái Tim.

Hoặc gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau:

🍀Đặt hẹn: ⁠bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang