Xung lực muốn kiểm soát người khác của bạn càng lớn, dung lượng trái tim của bạn càng nhỏ, bạn càng khó xây dựng sự thân mật với họ.
Mục lục
Có lẽ chúng ta ai cũng thừa nhận rằng một trong những điều quan trọng và quý giá nhất trong cuộc sống chính là tạo dựng sự kết nối thân mật với những người xung quanh. Thế nhưng có bao giờ bạn càng cố “vun vén” cho sự thân mật đó thì dường như chúng ta càng làm cho nó rạn nứt mà không biết nguyên nhân chính bắt đầu từ đâu không? Đó có thể là do xung lực muốn kiểm soát người khác của bạn quá lớn.
Mình cũng đã từng không biết vì sao mình khó xây dựng sự thân mật với người khác. Khi có thời gian ngồi lại một mình với chính bản thân mình, mình đã tự gọi bản thân mình là “kẻ hủy diệt các mối quan hệ”. Càng cố gắng xây dựng mối quan hệ thân mật, mọi người dường như càng xa lánh mình. Cho đến một ngày mình dũng cảm làm phỏng vấn 360 độ xem mọi người đánh giá như thế nào về bản thân mình. Phải nói là phải dũng cảm lắm mới dám làm phỏng vấn này, vì xưa nay ai cũng thích khen và sợ bị chê. Mình khuyến khích và chấp nhận những người xung quanh mình nói sự thật về mình để mình còn sửa chữa. Lúc đó mình mới thật sự bất ngờ.
Những người thân nhất của mình đều nói mình thích kiểm soát họ. Mình thật bất ngờ vì mình biết mình luôn trân quý các mối quan hệ và luôn cố gắng làm những điều tốt nhất cho họ, góp ý, đóng góp cho họ những điều tốt đẹp nhất. Mình không nhận ra rằng sự hiện diện mang tính kiểm soát của mình dần bám sâu vào các mối quan hệ với những người thân, âm thầm len lỏi vượt qua ranh giới của người khác. Và dần dần, ý kiến, mong muốn của mình chiếm hết chỗ dành cho cá nhân của họ. Những hành vi mang tính kiểm soát của mình đã phần nào xâm phạm đời sống, mong muốn cá nhân của họ.
Đáng lẽ ra mình nên dành thời gian, sự quan tâm và tình cảm cho họ, thì mình lại lấy ý kiến của mình áp đặt cho người khác, không để cho cuộc sống của họ được phát triển tự do.
Khỏi nói mình đã ngạc nhiên như thế nào khi phát hiện ra rằng mình có xung lực muốn kiểm soát mọi thứ và mọi người trong cuộc sống của mình. Do không nhận ra mình đã đi quá xa bổn phận của bản thân trong các mối quan hệ nên mình thường nổi giận khi người khác không cảm nhận được những điều tốt đẹp mà mình nghĩ rằng mình đang mang lại cho họ. Kết quả là những cuộc tranh cãi, giận hờn, và cảm giác lo sợ không thể kiểm soát cuộc sống luôn đeo bám mình (mặc dù ý nghĩ “kiểm soát” chưa bao giờ xuất hiện trong đầu mình một cách có ý thức).
Khỏi phải nói mình đã thất vọng và đơn độc như thế nào. Mình đã tìm cách thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan này bằng cách thực hiện những bước thay đổi, chuyển sang một lối sống mới.
Dưới đây mình sẽ chia sẻ lại với các bạn những bước chuyển đổi mà mình đã thực hiện để mở rộng dung lượng trái tim và kết nối yêu thương với mọi người được tốt hơn.
1. Hiểu về mong muốn kiểm soát người khác
1.1 Tại sao bạn lại có mong muốn kiểm soát người khác lớn?
Đầu tiên phải kể đến cái tôi bên trong hoàn hảo, hay nhu cầu làm đúng, hay sự cầu toàn. Điều này khiến chúng ta luôn đặt ra những tiêu chuẩn và đòi hỏi rất cao trong mọi việc từ những việc nhỏ nhất đối với bản thân và người khác. Chính điều này cũng khiến chúng ta dễ mắc “bệnh kiểm soát”.
Kế đến nữa là những cảm xúc thúc đẩy mong muốn kiểm soát. Cảm xúc liên quan nhiều nhất đến mong muốn kiểm soát người khác là cảm giác xấu hổ, cảm giác tội lỗi.
Cảm giác có tội là khi người khác thấy mình đã làm một việc xấu, hoặc khi chúng ta cảm thấy sắp vượt quá một chuẩn mực đạo đức quan trọng. Cảm giác xấu hổ là khi thấy mình kém cỏi, chưa hoàn thiện. Cảm giác lo sợ bị nhìn thấy là kẻ thất bại, là người không xứng đáng. Và đó là một trong những nguyên nhân dẫn bạn đến mong muốn kiểm soát người khác. Ví dụ còn 15 phút nữa mới đến giờ đi học, nhưng bạn chưa thấy thấy con mình chuẩn bị gì cả. Bạn bắt đầu giục con liên tục, trong khi con nghĩ vẫn còn nhiều thời gian. Khi thấy con không nghe lời, hoặc chuẩn bị đi học một cách chậm rãi, bạn càng khó chịu và bực tức. Bạn và con trở nên mâu thuẫn trong khi con hoàn toàn không bị muộn giờ học. Hoặc ví dụ bạn chỉ cho con đi chơi đến 9h tối. Với bạn và về sau 9h là hư hỏng, thậm chí lvề muộn hơn 10 phut là dối trá vì đã sai lời hứa.
Bên cạnh đó khi chúng ta bị quá tải với những cảm xúc tội lỗi và xấu hổ cũng sẽ khiến cho chúng ta mất khả năng giao tiếp với những cảm xúc của mình. Chỉ mới một phút trước ta mỉm cười làm vui lòng người khác nhưng ngay phút tiếp theo ta có thể nổi giận với họ. Ta bồng bềnh trong bể cảm xúc và bất cứ lúc nào cũng có thể đổi hướng.
1.2 Nguyên nhân nào dẫn đến mong muốn kiểm soát người khác?
Từ khi mới chào đời, một cách tự nhiên, trẻ em phản ứng một cách cởi mở với mọi người và những sự việc xung quanh với những cảm xúc vui, buồn, giận dữ… Nhưng trong quá trình lớn lên, các bậc cha mẹ hay người chăm sóc của trẻ có chứng kiểm soát người khác đều có khuynh hướng làm cho con cái trở nên đúng với hình ảnh của chính họ (hoặc theo hình ảnh mà họ đã chọn). Do đó, trong vô thức, họ cố gắng tìm cách thay đổi cái tôi thực sự của vốn có của con mình.
Những đứa trẻ có cha mẹ hoặc người chăm sóc là người có chứng kiểm soát có xu hướng hoặc lệ thuộc quá mức vào người khác, trở thành người đồng phụ thuộc (nghĩa là trẻ chọn những cách không lành mạnh để được yêu thương) hoặc cũng trở thành người có xu hướng kiểm soát như cha mẹ của mình.
2. Mở rộng dung lượng trái tim để chấp nhận chính mình
2.1 Chấp nhận những thiếu sót của mình
Như chúng ta đã nhận ra, mong muốn kiểm soát người khác là do sự xung đột sâu sắc ở bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta không dám thừa nhận chính mình mà cứ gồng lên cố gắng để trở nên hoàn hảo, để không mắc sai lầm, để luôn làm đúng, luôn theo quy tắc. Để rồi từ đó chúng ta muốn tất cả những người xung quanh mình cũng phải làm đúng, phải hoàn hảo, phải theo quy tắc.
Vì vậy việc đầu tiên là hãy chấp nhận chính mình, chấp nhận rằng mình chưa hoàn hảo, chấp nhận rằng mình có thể mắc sai lầm, chấp nhận rằng mình có những thiếu sót. Luôn không ngừng yêu thương bản thân mình, yêu thương những phiên bản chưa hoàn hảo của mình, không sợ bị đánh giá, không sợ bị chê trách.
Khi có thể chấp nhận chính bản thân mình, yêu thương những phiên bản chưa hoàn hảo của mình, là một bước mình đang dần mở rộng dung lượng trái tim để đón nhận người khác, đón nhận thế giới.
2.2. Học lại cách làm cha mẹ của mình
Khi lớn lên, chúng ta có khuynh hướng cư xử theo cách cha mẹ đã đối xử với chúng ta khi còn bé. Một cách không cố ý, chúng ta cố gắng tái tạo lại mô hình gia đình cũ của mình, cho dù đó có là mô hình chứa đầy sự tổn thương.
Người bị tổn thương thể cha mẹ sẽ rất khắt khe, kiểm soát, giới hạn sự tự do của người khác. Họ rất nhạy cảm, thậm chí được gọi với tên là “dữ dằn”, vì vậy họ khó xây dựng được mối quan hệ với bất cứ ai. Vì vậy, họ cần phải học lại cách làm cha mẹ của mình.
Hãy hình dung bạn khi còn nhỏ và bạn khi đã là người trưởng thành. Bạn muốn nói gì với thể em bé còn nhỏ trong mình. Hãy để thể trưởng thành ôm ấp em bé là mình khi còn bé, và nói với em rằng mình luôn ở đây để che chở và yêu thương em. Hãy hình dung thể trưởng thành ưa kiểm soát giờ đây chỉ nói những lời ái ngữ, chỉ dùng những cử chỉ chan chứa yêu thương với em bé là mình. Hãy hình dung ra phiên bản cha mẹ mà mình mơ ước. Mình muốn là một người cha/người mẹ như thế nào? Mình muốn cha/mẹ sẽ làm gì với mình, sẽ nói với mình như thế nào khi mình phạm lỗi, khi mình làm điều gì đó trái ý cha mẹ? Lúc đó cha mẹ nói gì, gương mặt cha mẹ sẽ như thế nào? Cử chỉ của cha mẹ ra làm sao… Rồi bạn để hình ảnh mình tưởng tượng về người cha mẹ mà bạn mong muốn đó xâm nhập vào bạn, là chính bạn. Bạn càng hình dung chi tiết về mẫu hình cha mẹ mà bạn mong muốn, bạn càng dễ trở thành hình mẫu cha mẹ theo cách bạn đã hình dung ra.
2.3 Đối thoại với cái tôi thực sự
Khi chúng ta gặp được cái tôi không bị che đậy, không phải dùng những mặt nạ để bảo vệ chính bản thân mình, chúng ta có khả năng nối kết và phục hồi tình thân ái. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự dũng cảm. Bằng cách vượt qua việc không muốn mở lòng, vượt qua sự sợ hãi, ta có thể tìm lại cái tôi thật sự của mình với lòng yêu thương và tình thân ái.
Bạn có thể xem thêm bài viết về Chữa lành em bé bên trong để thực hành nhiều hơn việc chữa lành và sống với cái tôi thực sự của mình nhé.
3. Mở rộng dung lượng trái tim để chấp nhận người khác thay vì kiểm soát họ
3.1 Lên danh sách những người mình đã làm tổn thương
Hãy lập danh sách những người bạn đã làm tổn thương. Mỗi ngày hãy nghĩ về họ và hình dung mình nếu tình huống cũ xảy ra, mình sẽ làm gì, sẽ nói gì nếu giá trị của mình của mình là yêu thương, dịu dàng và nói lời ái ngữ.
3.2 Trở thành người mang tình thân ái
Cái tôi lành mạnh được phát triển khi có sự cân bằng giữa việc kiểm soát lời nói với việc sống với cái tôi thực sự của mình.
Bạn hãy luôn tâm niệm về hình mẫu một người nhân ái sẽ như thế nào, sẽ nói những gì và sẽ hành động ra sao với những người xung quanh mình.
Bạn có thể cho mình những khoảng dừng trước khi nói, trước khi hành động, trước khi phát ngôn. Hãy tự nhủ mình có đang kiểm soát người khác không? Mình có đang đòi hỏi và cầu toàn không? Mình có để họ được tự do như họ muốn không?
Hãy cho phép mình hình dung xem nếu là mình, mình muốn nhận được những lời động viên, khen ngợi hay chỉ trích, chê bai? Và áp dụng nó vào trong những cuộc đối thoại của mình với những người xung quanh.
Hãy áp dụng những điều mình đã chia sẻ trên đây và chia sẻ cho mình biết về sự tiến bộ của bạn nhé. Nguyện cầu bình an cho tất cả chúng ta!
******
Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:
🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van
🍀Blog: https://goroitraitim.com
🍀Youtube: https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim
🍀Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim
🍀Group facebook: https://www.facebook.com/groups/goroitraitim