5 bước thoát khỏi chứng suy nghĩ nhiều (nghiện suy nghĩ)

Có khi nào bạn thấy mình chìm đắm trong những dòng suy nghĩ miên man, không lối thoát. Bạn thấy đầu óc rất nặng nề, rất muốn thoát ra nhưng không biết làm thế nào để thôi nghĩ nhiều.

Các nhà khoa học cho rằng hàng ngày chúng ta có từ 6 nghìn đến 8 nghìn suy nghĩ chạy qua đầu. Đôi khi những suy nghĩ của chúng ta như đàn ong vo ve bên tai, đôi khi nó như dàn đồng ca của đàn ve mùa hạ điên cuồng kêu không ngừng nghỉ.

Có thân chủ của mình, sau khi mất chức, đã suy nghĩ nhiều đến rụng tóc, mắc chứng đau nửa đầu. Anh hiểu rằng suy nghĩ nhiều không để làm gì, lúc nào anh cũng muốn tắt đi những dòng suy nghĩ đang miên man trong đầu nhưng không sao tắt được.

Tại sao chúng ta vẫn cứ suy nghĩ nhiều?

Dòng chảy của suy nghĩ

Chúng ta hiểu rằng nhiệm vụ của tâm trí là suy nghĩ. Suy nghĩ là bản chất của chúng ta. Suy nghĩ của chúng ta thường hướng vào 3 hướng:

. Suy nghĩ về những thứ đã xảy ra

. Suy nghĩ về những việc đang xảy ra

. Suy nghĩ về những gì chưa xảy ra

Mặc dù biết rằng quá khứ là thứ đã qua, không thể thay đổi, và tương lai là thứ chưa đến nên không thể mong cầu, nhưng chúng ta vẫn dành quá nhiều thời gian cho quá khứ và tương lai. Chúng ta quên mất hiện tại mới là nơi mình đang tồn tại.

Những người lạc quan nhìn về tương lai với niềm hy vọng tích cực. Người bi quan hay dành thời gian cho quá khứ, cho những gì đã xảy ra và tiếc nuối chúng.

Và dòng chảy suy nghĩ của họ chỉ nằm ở quá khứ. Họ đánh mất hiện tại, đánh mất tương lai.

Làm sao để thói quen suy nghĩ nhiều không thể chiếm hữu tài sản quý giá nhất của chúng ta, đó là sự tập trung vào hiện tại?

5 bước giúp bạn vượt qua những dòng suy nghĩ tiêu cực
1. Nhận thức những suy nghĩ của mình

Mặc dù những dòng suy nghĩ tiêu cực thật đáng sợ nhưng chúng ta sẽ cảm thấy rất tồi tệ nếu chúng ta không suy nghĩ nữa. Chúng ta cảm thấy bận rộn khi mình suy nghĩ. Vì vậy bạn cần nhận ra mỗi lúc bạn rơi vào dòng chảy của suy nghĩ miên man.

Bạn không thể thay đổi mối quan hệ với một thứ gì đó cho đến khi bạn nhận diện nó đang tồn tại trong mối quan hệ. Với tâm trí cũng vậy. Nhận diện bạn đang suy nghĩ, suy nghĩ đang đến, nghĩ đang trồi lên là lúc bạn bước vào hành trình xây dựng và điều chỉnh suy nghĩ của mình.

Hãy tạo ra một người quan sát nội tâm có thể nhìn thấy những suy nghĩ mông lung. Hãy tưởng tượng bạn cầm chiếc ống nhòm, bất cứ khi nào suy nghĩ nổi lên, bạn sẽ nhấn còi báo động cho tâm trí bạn biết rằng tâm trí đã đi quá đà.

Nhận biết không phải là kiểm soát. Kiểm soát dòng suy nghĩ chỉ là sửa chữa tạm thời, giống như nhổ cỏ mà không nhổ tận gốc. Có nhiều khi bạn cố gắng kiểm soát dòng suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực. Nhưng tư duy tích cực có thể giúp bạn phấn chấn nhưng không thể giải quyết vấn đề thực tại. Nó không đủ năng lượng để thực sự thay đổi sự tin tưởng ẩn nấp dưới những suy nghĩ tiêu cực. Đó chỉ là cách thức sơ cứu tạm thời khiến tình trạng ngày càng trầm trọng.

Tư duy tích cực thực sự truyền cảm hứng nhưng lại rút cạn năng lượng của chúng ta.

Chỉ đến khi bạn nhận thức được suy nghĩ – nghĩa là nhận ra mình đang rơi vào dòng suy nghĩ miên man, bạn mới có thể điều chỉnh được mối quan hệ với suy nghĩ. Khi ấy bạn mới thay đổi được cuộc sống của mình.

2. Quan sát suy nghĩ

Chúng ta chìm đắm vào những suy nghĩ đến mức đồng nhất mình là suy nghĩ. Quan sát đơn giản là nhận ra những gì đang diễn ra.

Quan sát suy nghĩ chính là nhận ra lúc này tâm mình đang ở đâu, đang dừng lại ở chỗ nào.

Hãy tưởng tượng lúc này bạn đang cầm cái ống nhóm, và hướng ống nhòm về bạn. Bạn sẽ nghe và nhìn thấy gì? Bạn thấy có ít hay nhiều suy nghĩ? Các dòng suy nghĩ này như thế nào? Bạn có thể xác định những từ ngữ hoặc hình ảnh của các dòng suy nghĩ không? Hay chúng xuất hiện ở một chỗ và gây nhiễu tiếng?

Bạn đang luyến tiếc quá khứ? Trách móc bản thân? Lo sợ tương lai? Oán trách người khác…?

Những dòng suy nghĩ này mang cảm xúc gì? Làm thế nào để cảm nhận chúng (mà không can thiệp vào nội dung)?

Bạn không cần phải trả lời những câu hỏi này. Bạn chỉ quan sát những điều đang diễn ra bên trong bạn để nhận ra suy nghĩ nào vừa mới khởi sinh.

Mục tiêu của bài tập này là học cách lặng lẽ quan sát thước phim tâm trí của chính bạn.

Phương pháp chánh niệm này hiệu quả mà lại rất đơn giản. Khác với việc để cho tâm trí bận rộn, chúng ta cần “bỏ đói” nó. Tâm trí vốn rất thích bận rộn suy xét tạo câu chuyện, hối tiếc quá khứ, tưởng tượng tương lai tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nhưng chúng ta chỉ đứng yên quan sát.

Nếu chưa quen với phương pháp này, bạn sẽ hơi khó có thể nhìn thấy điều gì đang xảy ra bên trong tâm trí. Nhưng cứ kiên trì, bạn sẽ quan sát được những suy nghĩ mình.

Để nâng cao khả năng tập trung quan sát các dòng suy nghĩ, bạn hãy thực hành bài tập trong tập Gỡ Rối Trái Tim sau đây nhé.

Việc ngồi tập trung vào hơi thở, đồng thời cưỡng lại sự mời gọi của nội dung suy nghĩ, ko chạy theo các dòng suy nghĩ, xuôi theo dòng chảy của hơi thở nghĩa là bạn đang nuôi dưỡng một bản thể không chứa đựng suy nghĩ. Bạn tập trung vào hơi thở khi nhìn thấy những chuyển động của tâm trí.

Hãy duy trì hoạt động này thường xuyên.

3. Quan sát không phán xét

Suy nghĩ của chúng ta được hình thành từ quan điểm, thích và không thích, diễn giải, phân tích và phán đoán. Thực hành quan sát không phán xét chính là trải nghiệm cuộc sống thực tại mà không đưa ra nhận xét và đánh giá cá nhân về chúng, không thêm thắt suy nghĩ, không hình thành chuỗi ý nghĩ về bản thân nó mang ý nghĩa gì.

Bạn hãy ngắt một bông hoa ngoài vườn, hay lấy một món đồ trên bàn làm việc, hay bất cứ cái gì. Hãy để món đồ đó gần trước mặt bạn. Nhắm mắt lại, hít sâu bằng mũi, đưa tất cả không khí vào bụng. Giữ nhịp hít vào sau đó thở ra một hơi dài chầm chậm bằng miệng. Giữ nhịp thở ra. Bạn hãy luyện tập nhiều lần nếu muốn.

Cảm nhận vị trí nào đang chịu áp lực căng thẳng trên cơ thể. Hãy từ từ thư thả và buông bỏ. Bây giờ, bạn hãy mở mắt ra, hãy nhìn vào món đồ bạn đã chuẩn bị trước, hoặc nhìn xung quanh căn phòng. Hãy quan sát mà không nhận xét bất cứ điều gì bạn nhìn thấy. Bạn không cần gọi tên chúng, không cần bày tỏ sự yêu thích, ghét bỏ, hay quyết định sẽ làm bất cứ việc gì khác. Bạn chỉ cần quan sát và tiếp thu mọi thứ.

Để ý trải nghiệm này gợi lên điều gì bên trong bạn.

Thông qua hoạt động này, chúng ta bắt đầu trải nghiệm cuộc sống không có đánh giá và bình luận, không có suy nghĩ.

Dần dần áp dụng vào quá trình quan sát những suy nghĩ của bạn. Những suy nghĩ này hướng về điều gì, nó đang đánh giá sự kiện nào? Nó đang cho điểm sự kiện ấy tồi tệ ra sao. Hãy quan sát mà không đánh giá bất cứ điều gì. Khi chúng ta cho phép sống mà không cần tường thuật lại hay phát biểu ý kiến về mọi thứ, chứng nghiện suy nghĩ của chúng ta sẽ tự nhiên biến mất. Và chúng ta sẽ cảm thấy thực sự tự do và nhẹ nhõm hơn bao giờ hết.

4. Vượt qua lo âu

Não bộ của chúng ta rất giỏi cảm nhận thông tin tiêu cực hơn tích cực. Câu hỏi rằng “Chúng ta nên tập trung vào điều mong muốn hay tránh khỏi những thứ gây tổn thương?” luôn đặt ra, nhưng chúng ta hiểu rằng chúng ta không cần tiếp nhận, nuôi dưỡng hàng ngàn suy nghĩ tiêu cực mỗi ngày. Hãy để dành chỗ cho những thông tin tin có ích.

Nếu nhận ra rằng những suy nghĩ của bạn là những lo lắng về tương lai, hãy tự vấn bản thân: Diễn biến tiếp theo là gì nếu điều này xảy ra thực? Tôi sẽ làm gì? Tôi có thể làm gì? Có ai có thể giúp đỡ tôi? Trước đây tôi đã từng đối mặt với chuyện tương tự như này chưa? Tôi đã vượt qua nó như thế nào?

Cuộc sống sẽ làm thay đổi chúng ta. Và chính sự kiên cường, bản lĩnh sẽ luôn xuất hiện đúng lúc. Không bao giờ là thảm cảnh, chỉ cần chúng ta kiên cường.

5. Yêu thương và buông bỏ

Khi đã nhận ra những suy nghĩ của mình và không phán xét chúng, hãy tiếp thêm một bước nữa. Hãy tự hỏi xem trải nghiệm cảm xúc nào trong tình huống này khiến nội tâm bạn sôi sục? Bạn có cảm thấy không được lắng nghe, yêu thương hoặc trách móc không? Bạn có cảm thấy bất lực hoặc không có cách nào bảo vệ mình không? Cảm xúc của bạn trong tình huống này là gì?

Nhưng khi bị cuốn vào ký ức đau buồn hoặc suy nghĩ lòng vòng, hãy tạm dừng và đặt tay lên trái tim để cảm nhận sự ấm áp từ hành động giản đơn này.

Hãy tự hỏi mình rằng việc này – kể lại câu chuyện theo cách tồi tệ, nhìn nhận rằng mình đang bị tổn thương, hoặc đóng vai người bị hại – có thực sự xoa dịu nỗi đau của bạn không? Điều này có đưa ra giải pháp, thay đổi những gì đã xảy ra, hay giúp bạn nhẹ nhõm không?

Hãy tiếp tục hỏi bản thân: Tôi sợ hãi điều gì nếu bản thân ngừng suy nghĩ về nỗi đau và những việc đã trải qua? Tôi sẽ là ai nếu mất đi nỗi đau?

Hãy đặt tay lên trái tim và tự nói với mình rằng điều này rất quan trọng. Ví dụ nếu bạn thấy mình không được tôn trọng, hãy tự nhủ: “Tôi tôn trọng bạn. Tôi hiểu những gì bạn đã phải trải qua. Tôi yêu bạn”. Hãy nói bất cứ điều gì bạn muốn nói với chính bản thân mình. Hãy yêu thương và để cho những suy nghĩ ấy được trôi đi.

Gạt bỏ những suy nghĩ đau khổ có thể khiến bạn cảm thấy vô tâm, tổn thương. Nhưng thực tế, để xoa dịu cảm xúc, đó là việc cần làm hơn hết. Vì vậy hãy thực sự chăm sóc bản thân và thực hành bài tập. Hãy tận dụng cơ hội vàng để an ủi chính mình.

Mỗi khi làm điều này là bạn đã nới lỏng liên kết với tiêu cực và khổ đau, giúp bạn nâng cao sức mạnh điều chỉnh sự tập trung và bồi đắp ý thức về bản thân tách biệt với suy nghĩ.

Tóm lại, một người suy nghĩ nhiều là người luôn nuối tiếc quá khứ hoặc tự bi thảm hóa tương lai, cho rằng tương lai thảm khốc chắc chắn sẽ xảy ra. Đây là kiểu suy nghĩ bắt nguồn từ cảm giác mất kiểm soát và đối mặt với lo lắng, mơ hồ.

Nếu mỗi khi nhận thấy mình đang lạc trôi ở quá khứ hay chìm đắm vào những lo lắng cho tương lai, hãy dừng lại một bước để nhận thấy mình đã “đi lạc”. Hãy quan sát những suy nghĩ đi lạc này, không phán xét chúng, xây dựng một mối quan hệ lành mạnh với suy nghĩ bằng sự kiên cường vượt qua hoặc bằng sự yêu thương và buông bỏ.

******

Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:

🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top