Năm bước đến thành công

Nếu như bạn dự định đến phòng tập nhiều hơn, ăn ít đi, hay học thêm một kỹ năng mới, bạn sẽ cần rất nhiều nỗ lực và những cách thức khoa học để đạt được thành công.

Mỗi dịp năm mới, tháng mới, chúng ta lại đưa ra những lời hứa, những dự định, những mục tiêu mang tính “tốt hơn”. Nhưng tại sao phải đợi đến năm mới để thay đổi, trong khi bạn có năng lực tạo ra sự thay đổi ngay khi bạn mở mắt mỗi sáng.

Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với bạn 5 bước để theo đuổi mục tiêu, đạt tới thành công, để có cuộc sống hoàn toàn mới từ hôm nay, thay vì phải chờ …”sang năm”.

1. Bạn khát khao đạt được điều gì?

Khao khát có thể bắt đầu bằng nỗi đau của bạn, bằng sự khó khăn hiện tại của bạn mà bạn muốn giải quyết. Mình có cậu em tuổi trẻ ăn chơi lông bông không chịu làm gì. Đến khi mẹ cậu ấy đột nhiên phát hiện bệnh nặng. Phải chứng kiến mẹ mình ngày nào cũng đau đớn quằn qoại ở nhà mà không có tiền mua thuốc chữa chạy cho mẹ mới khiến cậu ấy thôi thúc hành động, thôi thúc kiếm tiền. Dù mẹ cậu ấy đã không thể ở lại để chứng kiến con trai mình đã trưởng thành, đã khôn lớn, nhưng nhiều năm sau đó, cậu chỉ có mục tiêu duy nhất là bố và những người thân của mình phải được khám, chữa bệnh và điều trị ở bệnh viện quốc tế.

Khao khát từ nỗi đau, từ việc giải quyết khó khăn sẽ giúp bạn có ý chí mạnh mẽ, quyết liệt để đạt đến thành công.

Trong cuốn Nhà giả kim có câu nói rất thấm thía như thế này “Khi Bạn Quyết Tâm Muốn Điều Gì Thì Cả Vũ Trụ Sẽ Tác Động Để Giúp Bạn Đạt Mục Đích Đó”. Nhưng phải nhớ là đó phải là điều bạn quyết tâm muốn, bạn khao khát đạt được.

Bản thân mình có rất nhiều lần cảm nhận rõ sự “hợp sức” của vũ trụ để đạt được điều mình muốn.

Trong quá trình làm Podcast, rất nhiều lần mình tìm ý tưởng, hoặc tìm nội dung, tìm câu chuyện liên quan đến tập Podcast đó. Nhiều lần tìm mãi, tìm mãi mà vẫn chưa tìm được câu chuyện phù hợp với nội dung của tập. Đôi khi tự nhủ thôi lấy tạm chuyện này cũng được, dù không ưng lắm. Nhưng mình vẫn khao khát một sự hoàn hảo hơn nữa, vẫn đi tìm, vẫn hỏi bạn bè, vẫn vào thư viện, vẫn vào hiệu sách để lục tìm bằng được câu chuyện hoặc nội dung tương ứng. Và rồi, một sự kỳ diệu xảy ra. Nội dung đó sẽ bằng cách nào đó, hiển hiện ngay trước mắt mình. Đúng là nó đây rồi! Nhiều khi mình thốt lên như thế với điều kỳ diệu từ vũ trụ mang lại!

Vậy nên mong muốn dù nhỏ hay to, cũng cần được hiển lộ dưới dạng một mục tiêu.

Cách để khát khao được hiển lộ

Hãy tưởng tượng hôm nay là ngày cuối năm, ngày 31/12/2023 và bạn dành thời gian để nhìn lại năm 2023 đã qua. Tưởng tượng rằng trong năm qua bạn đã đạt được những mục tiêu mình đề ra và giờ đây, vô cùng bình an và hạnh phúc để chuẩn bị khép lại một năm ý nghĩa.

Hãy nhắm mắt lại hình dung thật rõ nét điều bạn đã đạt được đó là gì? Hoặc bạn cũng có thể lấy giấy bút ra và viết xuống điều bạn đã đạt được. Bạn cần hình dung ra bức tranh đó càng rõ nét, càng tốt.

Khi viết ra điều đó, đừng nghi ngờ rằng “chắc gì mình đã đạt được”. Hãy đặt niềm tin, hãy cảm nhận niềm vui và sự hân hoan ngập tràn khắp cơ thể, và trái tim bạn nhảy múa, reo vui khi “nhìn thấy” những viễn cảnh tốt đẹp đó, những điều tuyệt vời mà bạn thực hiện được được trong năm 2023.

Đây cũng là một trong những bí quyết thành công được gọi là BẮT ĐẦU TỪ ĐÍCH ĐẾN. Nghĩa là bạn phải rất rõ bạn muốn đạt được điều gì? Đó chính là khao khát của bạn, là đích đến của bạn. Chỉ khi có đích đến, bạn mới tìm ra con đường để đến đích.

2. Những bước đầu tiên

“Bắt đầu là đã hoàn thành một nửa”, nghe có vẻ kỳ cục nhưng đúng như vậy. Có nhiều mục tiêu chỉ được viết ra nhưng không bao giờ được bắt đầu cả.

Vì vậy trong bảng kế hoạch hành động, nhất định phải có ngày bắt đầu và ngày kết thúc hành động nào đó. Những hành động được quyết định nhanh chóng kiểu như “sẽ bắt đầu từ hôm nay”, “Ngay ngày mai tôi sẽ bắt đầu” đều là những quyết định bốc đồng và không duy trì được lâu. Hãy cân nhắc những thứ cần chuẩn bị để có thể bắt đầu, và bắt đầu càng sớm càng tốt.

Đừng trì hoãn hành động bằng việc sa đà vào chuẩn bị. Mọi sự chuẩn bị không nên quá 3 ngày. Và hãy bắt đầu thôi!

Phương pháp để bắt đầu

Khi bạn bắt đầu thực hiện một hành động nào đó, hãy nghiêm túc tập toàn bộ tâm trí, suy nghĩ, ý tưởng, thời gian, của bạn để nghĩ về việc bạn sẽ bắt đầu làm việc này như thế nào. Một tuần thôi nhưng có thể thay đổi cả cuộc đời của bạn. Hãy nung nấu trong đầu rằng tôi cần phải làm gì để thay đổi nỗi đau này? Ví dụ như nhân vật ở tình huống trên, tôi cần kiếm tiền để bố tôi được khám bệnh ở những bệnh viện tốt nhất. Rồi, vậy thì tôi phải làm gì để có thể có tiền cho bố được khám bệnh. Hãy dành một tuần viết ra tất cả những tình huống khả thi. Một tuần ấy bạn thực sự dành cho mình, đắm chìm vào suy nghĩ để tìm ra bằng được câu trả lời cho câu hỏi đó.

Chỉ khi bạn đắm chìm toàn phần vào suy nghĩ đó, sẽ đến một lúc bạn phải thốt lên aha vì ý tưởng, vì câu trả lời chợt đến với bạn ở cái lúc bạn không ngờ tới nhất.

Đây là phương pháp rất vi diệu. Bạn hãy áp dụng nhé. Hãy đắm chìm toàn phần để thay đổi, để thành công.

Tất cả những gì bạn có để làm là đắm chìm liên tục trong 1 tuần liền.

3. Con đường sẽ đi (hay kế hoạch hành động của bạn là gì)?

Có một phương pháp thần kỳ để nối kết khoảng cách giữa “ý định – mục tiêu” và “hoàn thành mục tiêu”. Nó được gọi là “ý định thực hiện”.

Phương pháp Nếu – Thì để hoàn thành mục tiêu

Phương pháp này chỉ ra rằng bạn hãy viết ra tất cả các “ý định thực hiện” của bạn một cách cụ thể và chính xác là thời điểm nào, ở đâu, việc gì bạn sẽ làm để tập thể dục chẳng hạn, và thường xuyên đến mức nào, trong bao lâu và ngày hoàn thành (deadline), nếu có.

Người ta đã làm một nghiên cứu và thấy rằng 91% số người thực sự nghĩ về và viết ra tất cả các chi tiết về kế hoạch tập luyện của họ, đã thực sự duy trì thói quen đó thường xuyên.

Việc viết ra một điều gì đó sẽ giúp chúng ta giữ lời hứa với bản thân. Và để việc viết ra thành công, hãy viết dưới dạng mệnh đề “NẾU-THÌ” đối với “ý định thực hiện” một hành động nào đó của bạn.

Ví dụ như, “nếu là 8 giờ sáng thứ Tư, thì tôi sẽ đến phòng gym tập thể dục”, câu này sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với chỉ đơn thuần viết “Vào 8 giờ sáng thứ Tư, tôi sẽ đến phòng gym tập thể dục.”

Bạn cũng nên viết mục tiêu năm mới của mình như thế này: “Nếu gặp phải tình huống Y, thì tôi sẽ thực hiện phản ứng hướng mục tiêu, Z.”

Sự thay đổi đơn giản như thế trong ngôn ngữ lại có những hiệu quả đáng kể đến khả năng chúng ta thực hiện những việc đó. Khi chúng ta viết ra mệnh đề “Nếu-thì” thì chúng ta đang chuyển sự điều khiển hành vi sang một kích thích bên ngoài. Hơn nữa não chúng ta có thể bị đánh lừa để phản ứng đáp trả lại các mệnh đề “nếu-thì” một cách tự động và ở mức độ tiềm thức, giống như một thói quen.”

Theo Meyer, một chuyên gia tâm lý người Mỹ, thì ông đã đã nghĩ ra một cách hết sức xuất sắc để áp đụng những điều này trong cuộc sống của ông. Ông đã thiết lập một kế hoạch “nếu-thì” để phòng khi ông không thể duy trì lâu: “Nếu tôi đến lúc cảm thấy muốn bỏ cuộc, tôi sẽ tập trung cao độ vào audiobook và quên đi cơn đau mỏi của cơ thể mà tôi đang cảm thấy.”

Và nó hiệu quả! Bạn hãy thử áp dụng xem nhé.

Còn đây là mục tiêu đầu tiên của tôi cho năm mới – “Nếu là 9 giờ tối ngày thứ Năm, thì tôi sẽ biên tập câu trả lời cho Podcast Gỡ Rối Trái Tim!”. Thật tuyệt vời!

4. Duy trì hành động cho đến khi trở thành thói quen

Bạn đã có phương pháp, bạn còn cần phải duy trì hành động cho đến khi nó trở thành thói quen của bạn.

Để duy trì thói quen, bạn hãy bấm vào đây để tham khảo thêm nhé.

Thói quen cần bối cảnh gợi nhắc để bắt đầu, để cứ khi thấy bối cảnh là bạn sẽ không cưỡng lại được mong muốn thực hiện thói quen đó. Bối cảnh, tín hiệu hành động, môi trường kích thích hành động là những gợi ý cực kỳ hoàn hảo cho hành động của chúng ta một cách vô thức. Tiếp đến bạn cần phải lặp đi lặp lại để hành vi trở thành tự động. Và bạn phải có phần thưởng khích lệ cho hành vi đó. Phần thưởng có thể là ngoại cảnh như một tách café, một giờ đi dạo. Khi hành động đã trở thành thói quen, phần thưởng nội sinh từ chính hành động sẽ giúp bạn duy trì, không bỏ cuộc.

Ví dụ như thời gian đầu mình rất ngại tập thể dục, nên mình phải thưởng cho mình nếu mình duy trì được 1 tuần liền. Sau đó việc tập thể dục mang lại phần thưởng nội sinh là mình trở nên đẹp hơn, khỏe hơn, được mọi người khen ngợi nhiều hơn. Lúc này dù không có phần thưởng bên ngoài nữa nhưng mình vẫn duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày của mình.

5. Giảm sức ì và tâm lý chán nản

Trong quá trình đến thành công, thường xuyên chúng ta sẽ gặp sức ì và tâm lý chán nản vì kết quả chưa hiển lộ trước mắt. Đì vậy, để đi đến thành công, cần loại bỏ sức ì và tâm lý chán nản này.

Sức ì

Sức ì, hay còn gọi là sự lười biếng là ngáng trở lớn nhất trên con đường đến với thành công. Lười biếng có thể đến từ những nguyên nhân khác nhau:

Lười biếng thiên hướng thoải mái: Người như này luôn tìm cách né tránh sự khó chịu, bất tiện. Ví dụ, họ muốn nghỉ ngơi, vậy là họ đi nằm dù một núi công việc đang chồng chất. Trời mưa họ xin nghỉ làm vì không muốn bị ướt… Đây là tuýp người luôn tìm kiếm sự thỏa mãn cảm giác tiện nghi, thoải mái, dễ chịu, không muốn phải chịu đựng bất kỳ một sự bất tiện nào cả.

Để giảm sức ì, bạn cần phát hiện và loại bỏ những hành vi mang thiên hướng thoải mái ngáng trở hành vi của bạn. Chẳng hạn bạn muốn đọc sách vào buổi tối nhưng sức ì chính là chiếc điện thoại khiến bạn cứ lướt mãi không thôi. Vậy thì bạn cần để điện thoại sang một phòng khác để không bị phân tâm làm ảnh hưởng đến hành động của bạn.

Tâm lý chán nản

Lười biếng theo kiểu chán nản: Người này có thể ngồi trước tivi hàng giờ liền và xem những chương trình không hứng thú hay xem bộ phim nhạt nhẽo vô vị chỉ bởi không biết làm gì ngoại trừ việc giết thời gian. Hoặc ăn uống nhậu nhẹt, sa đà và các thú vui bởi không không biết làm gì để giải thoát khỏi cảm giác chán nản. Đây là kiểu người cảm thấy tuyệt vọng, chán nản, tự cho mình là kẻ tồi tệ, không có khả năng, luôn thất bại. Người lười biếng theo kiểu chán nản thực ra họ không thực sự nghỉ ngơi, họ không tận hưởng cảm giác thoải mái khi không làm gì. Họ mệt mỏi, và chán nản.

Để thoát khỏi tâm lý chán nản, hãy cho mình được nghỉ ngơi ngắn trong quá trình phấn đấu. Nghỉ ngơi giúp tái tạo lại năng lượng nhanh hơn để sau đó bạn lại có thể bắt đầu tốt hơn.

Nếu chán nản là do quá trình thực hiện không đạt kết quả, hãy quay lại bước số 2 với phương pháp đắm chìm. Hãy dành một tuần đắm chìm vào câu hỏi: Mình cần làm gì để cuộc sống được tốt hơn?

Trực giác sẽ mách bạn cách thức thực hiện khác đi để có kết quả tốt đẹp hơn.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn đi đến thành công nhanh hơn. Tất cả mọi lý thuyết đều là xuông nếu bạn không bắt tay vào làm việc. Vậy nên nghĩ ít đi và bắt bắt tay vào làm nhiều hơn.

“Không có một ngày mai nào mà chúng ta không với tới được”. Chúc các bạn thành công!

******

Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:

🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang