Dọn Nhà, dọn Tủ, dọn Tâm

Tết đến là khoảng thời gian nhà nhà sắm sanh đồ mới, dọn dẹp, lau chùi và trang hoàng nhà cửa. Ngày bé mình ghét việc dọn nhà lắm, vì cứ dọn xong vài hôm lại thấy đâu lại vào đấy, nhà cửa lại bừa bộn như trước. Vài năm gần đây mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về “nghệ thuật dọn nhà”. Hiểu rồi mới thương đó các bạn. Từ khi hiểu về nghệ thuật dọn nhà, mình thích dọn dẹp nhà cửa hơn rất nhiều. Bởi mỗi lần dọn nhà, cũng là một lần mình dọn dẹp tâm trí.

1. Dọn nhà, dọn tủ

“Một căn phòng bừa bộn cũng giống như một tâm trí bừa bộn vậy”.

Có khi nào bạn định dọn nhà, nhưng rồi nhìn quanh khắp căn nhà, rồi tự nhủ thầm “dọn làm gì, dọn xong lại bừa bộn ấy mà”. Và thế là bạn tiếp tục sống với sự bừa bộn như vậy trong suốt những năm tháng tiếp theo.

Mình tin rằng nhìn vào căn nhà của một ai đó là biết cuộc sống của họ như thế nào. Một người có cuộc sống chỉn chu, mục tiêu rõ ràng, kế hoạch chi tiết, mọi việc được sắp đặt khoa học, thì không thể ở trong căn nhà bừa bộn được. Vì vậy, hãy dọn nhà cho ngăn nắp đi, rồi mới nói câu chuyện thay đổi thế giới được.

Bắt đầu

Nếu muốn dọn dẹp nhà cửa, đừng làm từ từ từng chút một. Hãy dành cho mình hẳn một ngày và dọn dẹp lại toàn bộ căn nhà. Có thể bạn nghĩ bắt đầu từng chút một cho đỡ ngại, nhưng nếu bạn chỉ dọn một phòng hoặc một chỗ ngồi làm việc thôi cho đỡ mệt, rồi để mai làm tiếp, thì chẳng mấy chốc đồ đạc ở những nơi khác lại tràn sang phòng của bạn. Và tình trạng bừa bộn lại chiếm lấy toàn bộ không gian sống của bạn.

Nếu bạn dọn dẹp triệt để trong một lần, ngắm căn nhà như được thay áo mới, bạn có thể khiến não của mình thay đổi một cách mạnh mẽ. Sự thay đổi này chạm tới cảm xúc tích cực trong bạn và có những tác động không thể cưỡng lại được.

Hãy bỏ ra một ngày, rồi bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn thay đổi hoàn toàn. Tin mình đi, điều tuyệt diệu đang chờ đón bạn.

Việc dọn dẹp nhà cửa được chia thành 3 việc nhỏ:

. Quyết định chỉ giữ lại thứ thực sự mang lại niềm vui;

. Vứt bỏ, vứt bỏ, và vứt bỏ;

. Quyết định cất giữ ở đâu.

Điều này có thể sẽ khó khăn với một số người thuộc tuýp “Không thể vứt bỏ”. Mình có anh bạn chẳng vứt đi cái gì mà chỉ mang về thêm. Căn nhà của anh ấy trở thành kho chứa đồ thập cẩm với những món đồ từ 10 năm trước không được dùng đến. Nhưng khi bảo bỏ nó đi thì anh không làm được. Sự thiếu thốn trong tâm không cho phép anh ấy bỏ đi bất cứ thứ gì. Đương nhiên, cuộc sống của anh ấy lộn xộn hệt như căn phòng của anh ấy vậy.

Biến việc dọn dẹp trở thành sự kiện đặc biệt

Không gì tuyệt vời hơn nếu bạn biến việc dọn dẹp thành sự kiện đặc biệt nhân dịp tết đến xuân về. Chúng ta vẫn gọi đây là dịp toàn dân dọn nhà. Còn bạn, hãy biến sự kiện này thành dịp thay đổi hoàn toàn để đón chào năm mới, new year — new you!

Bạn hãy tin rằng, chỉ sau ngày hôm nay thôi, sau khi dành toàn tâm toàn ý cho việc dọn nhà, bạn sẽ không bao giờ phải dọn dẹp phòng của mình nữa, bởi vì từ nay trở đi, phòng của bạn đã luôn ngăn nắp, gọn gàng rồi.

Và nhà của bạn sẽ là nơi để bạn tận hưởng sự thư giãn, nhẹ nhành. Năng lượng của một căn phòng gọn gàng rất thanh thoát, dịu dàng. Bạn không thể tìm thấy năng lượng đó trong một căn phòng ngổn ngang, bừa bộn. Sự gọn gàng sẽ dần trở thành lối sống của bạn.

Nghệ thuật từ bỏ

Nghệ thuật từ bỏ bắt đầu bằng việc hãy chọn thứ bạn muốn giữ lại, chứ không phải là những thứ bạn muốn bỏ đi.

Trước khi dọn nhà, hãy mang hết tất cả những món đồ cùng loại bày ra sàn. Hãy chạm vào từng món đồ, nhìn ngắm nó và tự hỏi: “Thứ này có mang lại niềm vui không?”. Khi bạn chạm vào một món đồ nào đó, cơ thể của bạn sẽ lên tiếng. Với mỗi món đồ, sự phản ứng đó lại khác nhau. Bạn hãy áp dụng để cảm nhận xem, mọi món đồ đều có rung động. Chỉ khi chạm vào nó, bạn mới biết rung động đó dịu êm, vui vẻ, hay nặng trĩu, buồn rầu.

Mình chỉ giữ lại những thứ khiến mình cảm thấy vui, khiến trái tim mình lên tiếng. Những thứ còn lại, mình bỏ đi, không luyến tiếc, bởi mình biết điều gì xứng đáng, điều gì không.

Trong khi dọn dẹp, đôi khi bạn không thể từ bỏ một món đồ vì cứ nghĩ “nhỡ có lúc mình cần đến nó”. Trước đây mình có cả tủ sách với vài trăm cuốn sách. Mình cảm thấy rất tự hào để “khoe” tủ sách của mình mỗi khi có ai đó đến chơi. Đến lúc học về nghệ thuật dọn dẹp, mình đắn đo, nâng lên đặt xuống mãi vì “nhỡ có lúc mình cần đến nó”. Nhưng rồi mình nghĩ nếu sách có cảm xúc, chắc nó sẽ buồn lắm nếu phải nằm ở xó xỉnh nào đó trong cả cuộc đời của nó. Mỗi cuốn sách là một sự sống, là bao nhiêu năng lượng, là toàn bộ tâm huyết mà tác giả đặt vào đó. Và nó muốn được sống một cuộc sống rực rỡ nhất, có ích nhất cho đọc giả. Nó đâu phải sinh ra chỉ để nằm một chỗ để trang trí và lãng quên.

Vậy nên mình chỉ giữ lại những cuốn sách còn có giá trị sử dụng đối với mình. Những cuốn sách khác, mình cảm ơn nó vì đã đến với mình, mang lại cho mình những thông tin bổ ích, rồi mình pass, cho, tặng lại cho những người cần nó hơn mình.

Mình tin nó sẽ hân hoan hơn là phải ở mãi trong góc tủ của mình.

Tủ sách của mình bây giờ ít hơn trước rất nhiều, và mình nhận ra rằng, khi có ít hơn, mình trân trọng những cuốn đang có hơn là khi có cả một tủ đầy.

Với những đồ vật khác cũng vậy, nếu mình không thấy vui, hân hoan khi cầm món đồ đó, có nghĩa là mình không cần nó nữa. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó khi đến với mình. Vì vậy, mình cảm ơn nó và rồi cho tặng.

Nguyên tắc vứt bỏ

– Trước hết hãy vứt bỏ suy nghĩ: Không bỏ được. Có những cuốn sách ở một thời điểm nào đó ta đọc thấy hay vô cùng, nhưng vài năm sau đọc lại, ta không thấy rung động như trước nữa, bởi bây giờ nhận thức của ta đã thay đổi, tâm trạng ta cũng đã khác. Có những món đồ ở thời điểm đó khiến ta vui, nhưng vài năm sau đó, nó chỉ còn là kỷ niệm. Tất cả mọi thứ đều là kỷ niệm. Bạn có thể giữ lại kỷ niệm – là những cảm xúc đi kèm món đồ. Còn bản thân món đồ bạn không cần giữ lại. Người hoài niệm nhiều, sống với kỷ niệm nhiều sẽ còn ít chỗ trống cho hiện tại và tương lai. Dung lượng bộ nhớ trong đầu của ta cũng chỉ có giới hạn mà thôi. Bạn không thể thêm vào tâm trí bất cứ điều gì khi chưa xóa bớt giữ liệu cũ đi.

– Hãy gom hết tất cả những thứ cùng loại vào một chỗ và phân loại. Hãy bắt đầu bằng tủ quần áo trước. Bởi quần áo bây giờ nhiều nên việc buông bỏ khá dễ dàng. Sau đó chuyển sang sách vở, giấy tờ, đồ trang điểm, đồ nhà bếp.., và cuối cùng mới là các vật kỷ niệm.

– Luôn tâm niệm rằng vứt đồ không phải là mình đang “mất đi”, mà là mình đang “được lợi”. Bạn được lợi về nhiều mặt khi bạn dọn dẹp được vô số “rác” trong nhà.

– Hãy yên tâm là sau khi vứt chẳng có món đồ gì khiến bạn hối tiếc cả đâu. Có lần người bạn của mình mặc cái áo khá xinh. Mình nhìn thấy và khen: “Ôi, áo đẹp thế!”. Bạn mình bảo: “Áo cậu cho tớ đấy”. Mình đã vô cùng ngạc nhiên tự hỏi “Cái đó đã từng là của mình ư? Sao mình không nhớ chút nào về nó vậy?”. Mình tin chắc các bạn cũng vậy. Có nhiều món đồ ta sở hữu mà như chưa từng tồn tại trong đời ta vậy. Khi ấy bạn có tiếc không? Hãy nghĩ rằng món đồ đã hoàn thành bổn phận của nó khi đến với bạn. Nó đến chỉ để nhắc bạn rằng: “Bạn không cần nó như bạn tưởng đâu”.

Sau khi đã vứt bỏ bớt đồ, từ hôm nay, bạn chỉ mua/mang về những thứ cần thiết, chứ không phải thứ bạn cảm thấy thích. Và hãy nhớ, mua một cái, giảm một cái. Trước khi mua một cái gì đó, hãy chia tay một thứ đang có trong nhà.

– Đừng mua vì rẻ, đừng nhận vì miễn phí. Món đồ bạn mua vì rẻ đó, sẽ không làm bạn vui lâu đâu. Hãy luôn tâm niệm rằng bạn là người có giá trị cao, vì vậy, những món đồ quanh bạn cũng phải có giá trị cao đối với bạn.

– Nếu vẫn còn tiếc món đồ đó quá, bạn hãy chụp ảnh những món đồ đó lại, rồi vứt món đồ đó đi. Mình biết chắc chắn là sau khi chụp xong, thậm chí bạn chẳng bao giờ xem lại những bức ảnh đó đâu. Lúc đó bạn có thể hiểu rằng, món đồ đó hóa ra không quý giá với bạn như bạn tưởng. – Nguyên tắc cuối cùng: Vứt bỏ, vứt bỏ, và vứt bỏ.

Và bạn sẽ nhận thấy quanh bạn chỉ còn những thứ cực kỳ giá trị, mang lại cho bạn nhiều niềm vui.

Lưu ý khi dọn đồ

– Không “tận dụng”, biến món đồ này thành công năng sử dụng khác đi chỉ để khỏi phải vứt đi. Ví dụ “giáng cấp” quần áo mặc đi làm thành quần áo mặc nhà. Điều này là không nên vì quần áo mặc nhà cần sự thoải mái, dễ chịu. Khoảng thời gian ở nhà của bạn cũng cần được nâng niu, trân trọng.

– Hãy chạm vào từng món đồ, nâng niu nó, vì bàn tay có rất nhiều năng lượng. Khi bạn chạm vào món đồ là bạn đã truyền đi năng lượng chữa lành đến đồ đạc. Đó cũng là cách giúp bạn trân trọng hơn những món đồ bạn đang sở hữu.

Cất giữ các món đồ

Sau khi đã phân loại và chỉ giữ lại những thứ mang lại cho bạn niềm vui, bạn sẽ thấy vô cùng ngạc nhiên vì bạn chợt nhận ra bao nhiêu là đủ đối với bạn. “Đây chính là số lượng để tôi cảm thấy thoải mái. Đây là tất cả những gì tôi cần để cảm thấy hạnh phúc”.

Hóa ra bạn hoàn toàn có thể hạnh phúc với số ít đồ sở hữu.

Sau khi đã loại bỏ xong, hãy xác định xem những món đồ loại nào thì cất giữ ở đâu và hãy cất tất cả các thứ cùng loại ở cùng một chỗ.

Con trai mình có thói quen đọc sách khi đi vệ sinh ^^. Và thế là cháu có 1 ngăn tủ để vài cuốn sách ở ngay trong nhà tắm. Rồi sách được để ở cả gần ban công hóng gió. Mình không phủ nhận rằng đọc sách ở ban công thì cực kỳ thích, nhưng mình không đồng ý để sách ở đó. Chỗ của sách là ở trên giá sách, vì vậy, ngay sau khi đọc xong cần xếp nó về đúng vị trí.

Với tất cả các đồ dùng khác cũng vậy. Nó cần được nằm ở một vị trí chứ không phải ở chỗ tiện cho chúng ta nhất.

Nếu nhà bạn có nhiều người, hãy phân loại không gian cất giữ đồ của từng người. Ai phụ trách không gian riêng của người ấy sẽ khiến họ cảm thấy rất vui vẻ và hào hứng với việc dọn dẹp.

Chăm sóc và yêu mến các món đồ mà bạn giữ lại

Khi bạn từ bỏ một món đồ nào đó, đừng vứt đi như thể vứt “rác”. Hãy cảm ơn món đồ đã đến với mình bằng một nhân duyên nào đó. Và chúc nó sẽ vui vẻ khi đến với chủ nhân mới. Mình vẫn thường làm thế với những cuốn sách đã mang lại cho mình biết bao thông tin quý giá, hoặc những bộ đồ đã từng giúp mình trở nên tự tin hơn. Mình luôn chúc những món đồ ấy sẽ hoàn thành sứ mệnh của nó thêm một hoặc nhiều lần nữa.

Với những món đồ mà mình giữ lại, mình cũng sẽ dành cho chúng tình yêu thương tràn ngập như vậy. Cuối mỗi ngày, khi cất một món đồ nào đó vào vị trí của nó, mình cũng sẽ nói “cảm ơn bạn đã giúp tôi…”. Ví dụ mình nói với chiếc balo mà mình vẫn đeo hàng ngày rằng: “Cảm ơn bạn đã bên tôi suốt cả ngày hôm nay”.

Con người chỉ thực sự yêu thích một số lượng nhất định những đồ vật trong cùng một lúc. Bởi vậy khi bạn dành tâm trí và tình cảm với món đồ bạn đang sở hữu, bạn sẽ không có nhu cầu có thêm nhiều nhiều hơn nữa.

Mình đã từng là người nghiện mua sắm. Mình mua quần áo vô tội vạ, sách chưa đọc hết cuốn này đã mua cuốn khác. Nhưng kể từ khi thực hành yêu mến các món đồ mà mình sở hữu, mình không còn có nhu cầu mua thêm nhiều món đồ khác nữa.

2. Dọn Tâm

Mình đã từng tư vấn cho một khách hàng ngoài 50 tuổi có cuộc sống lúc nào cũng rối như tơ vò. Chia tay tình đầu ở tuổi ngoài 20, anh đau khổ đến mức đã từng quyên sinh nhưng không thành. Cuộc sống của anh từ đó trở đi thu mình trong căn phòng nhỏ ở góc phố Hà Nội ồn ào. Căn phòng bừa bộn, ngổn ngang đồ đạc, trong đó có đến phân nửa là những đồ liên quan đến kỷ niệm của tình đầu. về nhà,

Mình nói với anh ấy rằng để có thể “dọn tâm”, việc anh cần làm là dọn nhà đi đã. Hãy cầm từng món đồ lên và tự hỏi: “Cái này có mang lại cho mình niềm vui không?”. Nếu không hãy bỏ đi.

Anh bảo anh không bỏ được, vì nó là kỷ niệm, cho dù đó là những kỷ niệm đau buồn!

Anh không bỏ được, hay anh không biết mình xứng đáng với cái gì? Cái gì xứng đáng với anh?

Các bạn cứ hình dung tâm trí cũng chỉ có 100 chỗ như cái tủ quần áo. Nếu 90 chỗ toàn những chuyện không đáng thì tất nhiên chỉ còn 10 chỗ cho những chuyện đáng lưu tâm mà thôi. Nếu bạn không lựa chọn những thứ có ích, tâm trí bạn sẽ chỉ chứa toàn rác mà thôi.

Dọn Tâm chính là lúc bạn đối thoại với bản thân mình, để đánh giá lại những sự vật, sự việc, con người, xem ai, điều gì còn phù hợp với mình.

Dọn Tâm chính là lúc giúp bạn học cách ra quyết định một cách dứt khoát. Bạn không còn tốn thời gian cho việc đắn đo liệu cái này có giá trị với mình không, hay cái kia có làm mình vui thích không. Dọn nhà giúp quá trình dọn Tâm của bạn diễn ra hiệu quả hơn.

Một cuộc sống chất lượng cao không có nghĩa là bạn phải mua những thứ đắt tiền nhưng bạn cần biết thứ gì không còn phù hợp với mình và sẵn sàng buông bỏ.

Chỉ khi buông bỏ, bạn mới có thể có hạnh phúc.

Nếu bạn không buông bỏ những điều đã xảy ra, hoặc quá lo sợ về tương lai thì làm sao chúng ta có thể thảnh thơi tận hưởng hiện tại ngay lúc này được.

Khi bạn bỏ những món đồ không cần thiết sẽ làm tăng cơ hội theo đuổi những điều bạn quan tâm lên nhiều lần. Khi bạn bỏ đi những câu nói khó nghe, bạn sẽ còn không gian rộng rãi để chứa những điều dễ thương. Khi bạn loại bỏ những mối quan hệ không còn phù hợp, bạn sẽ có thêm thời gian và tâm trí cho những mối quan hệ chất lượng hơn.

Mọi việc bắt đầu từ việc buông bỏ. Bỏ đi những thứ không còn phù hợp, những điều khiến ta không vui, những kỷ niệm buồn, những ký ức, những niềm đau.

Không có hạnh phúc nào bằng việc bao bọc xung quanh bạn toàn là những thứ bạn yêu mến. Chúc bạn dọn dẹp và buông bỏ thành công!

******

Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:

🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang