Đôi khi trong cuộc sống hoặc trong công việc, ta gặp những người rất khó ưa. Phần lớn câu chuyện giữa ta với họ đều là những câu chuyện khó nhằn. Ta ước giá mà cuộc đời của ta không bao giờ gặp phải những người như vậy. Nhưng họ vẫn hiện hữu trước mặt ta mỗi ngày. Dưới đây là 3 bước hóa giải mâu thuẫn giúp bạn có “bí kíp” đương đầu với những rắc rối giữa bạn và người kia.
Mục lục
1. Những tấm gương quan hệ
Người Ấn Độ có câu nói rằng: “Bất cứ người nào mà bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp”. Điều này có nghĩa rằng không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ cả. Mỗi người xung quanh chúng ta, bất cứ ai chúng ta giao lưu, đều đại diện cho một điều gì đó, có thể là để dạy chúng ta điều gì đó hoặc giúp chúng ta cải thiện tình hình hiện tại.
Vì vậy, hãy nhìn người ta không ưa kia như một tấm gương, để soi vào họ và nhìn thấy chúng ta một cách rõ nét hơn. Thế giới bên ngoài luôn phản chiếu thế giới bên trong. Không phải ngẫu nhiên mà “Gió tầng nào gặp mây tầng đó”. Không phải ngẫu nhiên mà “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Cái “duyên” ở đây chính là những điều gì đó về chính bản thân ta mà ta chưa biết, nên người kia hiện hữu là để giúp ta nhìn nhận ra bằng sự tương tác với họ.
Một vài kiểu tấm gương có thể khiến ta không thích, mà ta có thể gặp trong các mối quan hệ:
Tấm gương đầu tiên, là người phản chiếu trạng thái hiện tại của ta.
Khi ta tức giận, thật dễ dàng ta cũng gặp người hay tức giận. Khi ta lo lắng, rồi ta cũng gặp một người thường xuyên lo âu. Khi ta chán nản vì công việc, thế nào ta cũng gặp được người chán nản giống mình. Rồi họ suốt ngày than phiền, kể lể, kêu than. Ta bắt đầu thấy khó chịu với họ, nhưng thực ra, là ta đang khó chịu với chính mình. Ta muốn thoát ra khỏi tình cảnh đó nhưng không thoát ra được, nên gặp người có tình cảnh tương tự, ta tưởng rằng ta ghét sự than vãn của người kia, nhưng thực ra là ta đang chán ghét với sự bế tắc trong công việc của chính mình mà thôi.
Với người “khó chịu” này, ta không phải làm gì với họ, mà hãy quay vào nội tâm của mình, quan sát xem người đó đang phóng chiếu trạng thái gì bên trong ta, trạng thái tiêu cực đó biểu hiện như thế nào, nguyên nhân là do đâu? Xác định được nguyên nhân và giải quyết được nguyên nhân ấy từ trong chính bản thân mình, ta sẽ không còn cảm thấy ghét người kia nữa. Về cơ bản, người đó đã xong nhiệm vụ giúp ta nhận ra điều gì đó không ổn ở bên trong mình.
Một kiểu người khác nữa cũng có thể làm ta khó chịu, đó là người phản chiếu điều mà ta đang phán xét.
Đây là kiểu người mà chúng ta hay đùa là “ghét của nào trời trao của đó”. Ví dụ ta ghét người ở bẩn, bừa bãi, lười biếng, thế nào ta cũng gặp phải người như vậy. Ta càng ghét điều gì thì khả năng gặp người có điều đó càng cao. Khi ta khó chịu với họ, không phải là vì ta khó chịu với con người đó, mà ta đang khó chịu với điều họ đang làm. Sâu hơn nữa, thực ra trong sâu thẳm, ta ghét người sở hữu điều đó là bởi vì ta cũng muốn được như họ mà không được. Ví dụ ta rất ghét người “thảo mai, nịnh nọt”, đó là vì ta đang phán xét chính bản thân mình, thấy bản thân mình không giỏi giao tiếp một cách tự nhiên, bản thân mình không giỏi làm người khác hài lòng. Đến một lúc nào đó khi kỹ năng giao tiếp của ta được nâng cao, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm với người thảo mai, vì từ phía mình, ta cũng có thể nói được những điều chân thành mà không sợ bị đánh giá, có thể lấy được cảm tình với người khác mà không bị sự rụt rè cản trở. Và khi ấy, ta không ghét người “thảo mai” nữa.
Đó là hai trong nhiều tấm gương “không dễ chịu” mà ta có thể gặp, khiến ta không ưa con người đó. Nhưng thực ra, sâu thẳm trong đó, là vì ta chưa ưa một điều gì đó ở chính mình. Vì vậy, thay vì phán xét và khó chịu với ai đó, hãy quay về bên trong, xem họ đang giúp ta nhìn thấy điều gì chưa hài lòng ở bản thân, và hoàn thiện chính điều đó.
2. Các hình thức đối đầu
Hơn nữa, em cũng cần xem lại khi mình có mâu thuẫn, xu hướng của ta là gì? Tấn công, né tránh, hay tìm cách giải quyết vấn đề? Không phải ai cũng có kỹ năng tự bộc lộ bản thân nên có người khi có mâu thuẫn là tìm cách né tránh, điển hình của cách hành xử này là giận không nói chuyện cả tuần trời. Thực ra đó là vì họ không có kỹ năng bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Họ có nỗi sợ phải nói ra suy nghĩ hoặc cảm xúc của mình. Thực tế có thể họ e ngại người khác sẽ phản ứng dữ dội và khốc liệt nếu họ đưa ra lời chỉ trích. Họ âm thầm ôm nỗi khó chịu trong lòng và không chia sẻ. Nhưng vì không chia sẻ nên mâu thuẫn vẫn tích tụ lại đó. Nên người này thường chờ một dịp nào đó xả ra cho bằng hết, và khi xả ra với cơn bực tức, mối quan hệ cũng có thể không còn.
Người có xu hướng tấn công khi có mâu thuẫn cũng vậy. Họ có thể hét vào mặt đối phương, nói những lời cay nghiệt khó chịu. Họ ít quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của người kia. Họ để cho cảm xúc khó chịu của họ chi phối. Họ chưa có kỹ năng quản lý cảm xúc tốt.
Cách tốt nhất là tỏ ra quyết đoán khi có mâu thuẫn, bất đồng. Thực tế rất ít người trong số chúng ta quyết đoán. Ước tính rằng không quá 20% dân số biết thẳng thắn bày tỏ một cách chín chắn những điều khó chịu trong lòng. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều sự giận dữ ngầm, nhiều người bị quở trách nhầm dù họ không thật sự chịu trách nhiệm.
Mặc dù không có kỹ năng để bộc lộ bản thân, để trở nên quyết đoán, nhưng phần lớn những người né tránh hay nổi xung lại bao biện rằng: Tôi thấy mình chẳng là gì để phải làm lớn chuyện.
Để trở nên quyết đoán hơn trong giao tiếp, đặc biệt là trong những tình huống khó, mời bạn tham khảo khoá học Nghệ thuật hoá giải mâu thuẫn và xung đột nhé.
3. Từng bước hóa giải mâu thuẫn
Vậy làm thế nào quyết đoán mà không làm tổn hại đối phương hay mối quan hệ, dưới đây là 5 bước để bạn tham khảo:
Đầu tiên, hãy lấy giấy bút ra, ghi lại tất cả những câu trả lời cho câu hỏi: “Mỗi người trong các bạn đã làm gì và không làm gì để góp phần tạo nên chuyện này?”. “Làm thế nào để thay đổi nó?”. Khi một điều gì đó xảy ra, chúng ta có xu hướng tìm xem ai là người có lỗi trong mối quan hệ này, ai phạm sai lầm, ai nên xin lỗi. Tập trung vào việc đổ lỗi sẽ ngăn cản chúng ta tìm hiểu những nguyên nhân thực sự của vấn đề là tìm ra cách khắc phục. Tốt nhất là hãy tìm xem mỗi người trong câu chuyện đã đóng góp phần tạo nên tình hình hiện nay bằng cách nào. Hãy xem người kia đã đóng góp điều gì để tạo ra mâu thuẫn này. Tiếp theo, hãy xem bản thân mình đang đóng góp những gì để tạo ra mâu thuẫn này. Và còn ai khác liên quan khiến tạo ra mâu thuẫn này hay không?
Bước hai, hãy xem mục đích của mình khi giải quyết mâu thuẫn là gì? Ta hi vọng dạt được điều gì nhờ cuộc trò chuyện với người kia? Nếu ta không tạo ra một cuộc nói chuyện quyết đoán, ta có thể làm gì để tự bỏ qua mâu thuẫn này? Nếu quyết định cần thẳng thắn nêu vấn đề lên, hãy sang bước tiếp theo.
Hãy tạo ra một cuộc hội thoại mang tính học hỏi. Thường thì trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, phần khó nhất là bắt đầu câu chuyện. Vì vậy, để tránh xung đột ngay khi mới bắt đầu, bạn hãy bắt đầu câu chuyện một cách khách quan nhất. Hãy tưởng tượng nếu có một người trung gian hoà giải, người thứ ba ở giữa hai người, họ sẽ nói gì? Thông thường, người quan sát sẽ bắt đầu bằng cách nói về sự khác biệt trong câu chuyện của hai bạn, và phần hợp lý của cuộc thảo luận. Bạn cũng bắt đầu thật khách quan như vậy nhé. Ví dụ: Tôi muốn nói chuyện với bạn về chuyện xảy ra hôm qua. Chúng ta rõ ràng đang có những cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Tôi đã to tiếng về chuyện đó. Và tôi rất muốn nghe quan điểm của bạn về việc này.
Bước tiếp theo là hãy khám phá câu chuyện của họ bằng cách lắng nghe để thấu hiểu. Hãy đặt câu hỏi để hiểu đối phương hơn. Hãy công nhận những cảm xúc của họ và diễn giải xem mình có đang hiểu vấn đề như họ đang hiểu không? Hãy cố gắng tìm ra lý do vì sao hai người rơi vào tình thế như thế này. Và hãy chia sẻ quan điểm của bạn về vấn đề này.
Cuối cùng, hãy tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách đưa ra các lựa chọn phù hợp với mối quan ngại và lợi ích quan trọng nhất của mỗi bên. Hãy xem xét các tiêu chí gì nên xảy ra. Ghi nhớ tiêu chuẩn của sự quan tâm lẫn nhau. Và cuối cùng nói về cách duy trì giao tiếp cởi mở trong tương lai.
Mong rằng bạn có thể trở nên thấu hiểu bản thân mình hơn, từ đó, bạn và người kia có thể trở nên thấu hiểu nhau hơn, chung sống hoà thuận hơn.
Mình xin được để link khóa học Nghệ thuật hóa giải mâu thuẫn và xung đột tại đây để bạn tham khảo nhé!
Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:
🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van
🍀Blog: https://goroitraitim.com
🍀Youtube: https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim
🍀Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim
🍀Group facebook: https://www.facebook.com/groups/goroitraitim