Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao người này dường như có tài thu hút người khác, để lại ấn tượng tốt đẹp, khiến nhiều người yêu mến, có nhiều bạn thân, bạn tốt, trong khi người kia, cũng hấp dẫn và thành công không kém, nhưng lại có vẻ không tạo ra được sự thu hút tương tự? Thông thường đó là do sự truyền tải những tín hiệu bạn bè hoặc tín hiệu thù địch trong vô thức.
Vậy đâu là những tín hiệu thù địch cần loại bỏ và đâu là những tín hiệu bạn bè cần tăng cường phát huy để kết bạn chốn công sở?
Mục lục
1. Tín hiệu thù địch
Hãy tưởng tượng bạn đi bộ trên đường trong khu nhà mà bạn không quen biết ai, còn những người khác thì đang di chuyển chung quanh bạn để đi đến điểm đến của họ. Bạn sẽ thấy lúc này các giác quan của bạn mở rộng hết cỡ. Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng các giác quan của ta liên tục gửi thông tin đến não bộ, rồi não bộ xử lý thông tin đó để xem xét bất kỳ cá nhân nào trong tầm quan sát của ta có thể được bỏ qua, đáng để tiếp cận hoặc cần phải né tránh.
Rõ ràng não bộ của chúng ta đã tổng kết lại một số tín hiệu vô thức để nhận biết nhanh những tín hiệu thù địch.
Khoảng cách quá gần
Khi lái xe người đường, nếu có một ai đó đi quá gần với mình, một cách vô thức, bạn sẽ đánh xe vào phía trong, bởi như thế bạn mới cảm thấy an toàn. Rõ ràng, khoảng cách quá gần là một tín hiệu thù địch và bạn sẽ né tránh.
Vẻ phòng bị, lạnh lùng
Có nhiều người có vẻ ngoài rất lạnh lùng dù khi tiếp xúc lâu với họ thì thấy họ cũng rất dễ gần, dễ mến. Mình có cô bạn lúc nào cũng rất lạnh lùng, khó gần. Hỏi ra mới biết lúc còn nhỏ cô ấy toàn bị bố mẹ nhốt trong nhà, ở nhà một mình để bố mẹ đi làm. Cô ấy ít giao tiếp với ai và luôn không cảm thấy an toàn khi ở chỗ đông người. Vì vậy, cô ấy trang bị cho bản thân một vẻ ngoài rất lạnh lùng, kiểu tôi không cần ai cả. Tất nhiên là cũng không ai muốn gần cô ấy với vẻ ngoài như vậy. Vì vậy để cải thiện kỹ năng giao tiếp, việc đầu tiên bạn cần làm là ngừng tỏ ra phòng vệ với thế giới. Vẻ lạnh lùng gửi đi tín hiệu cho người khác rằng hãy tránh xa tôi ra, “đừng giỡn mặt với tôi”.
Né tránh giao tiếp mắt
Lần đầu tiên đến Nga, tôi được anh bạn dọa là ở đây nhiều “thế lực thù địch” lắm, nên hạn chế ra ngoài buổi tối. Còn nếu có đi ngoài đường thì đừng nhìn ai, cũng đừng cười chào hỏi hay tỏ ra thân thiện với ai. Hãy cứ lờ hết tất cả mọi người đi nếu muốn an toàn. Tất nhiên nước Nga không đáng sợ như anh bạn tôi đe dọa, nhưng điều đó giúp tôi nhận thấy một điều, giao tiếp bằng mắt gửi đến tín hiệu bạn bè cho mọi người, mỉm cười cũng là tín hiệu bạn bè.
Nếu muốn gửi đi tín hiệu thù địch, hãy tỏ ra tự tin và bắt đầu chiến lược… lờ họ đi bằng cách không nhìn vào mắt họ bất cứ lần nào cho dù đang ở khoảng cách gần, cũng đừng mỉm cười! Đó là hai tín hiệu của sự “lạnh lùng” mà không ai muốn đến gần.
Nhưng mình biết, bạn không thể đi một mình ở Chốn Công Sở. Bạn cần giao lưu và kết nối với những đồng nghiệp khác. Trong một bài viết gần đây mình đã chia sẻ, đồng nghiệp là một trong 4 tài khoản sự nghiệp mà bạn không thể thiếu nếu muốn sinh tồn chốn công sở.
Dưới đây là những tín hiệu bạn bè bạn cần nắm được để có thể tiếp xúc với bất kỳ ai.
2. Công thức tình bạn
Jack Schafer và Marvin Karrlings đã đưa ra một công thức để tạo dựng mối quan hệ bạn bè. Công thức này như sau:
Tình bạn = Khoảng cách gần + Tần suất xuất hiện + Thời lượng tiếp xúc + Cường độ cảm xúc
Khoảng cách gần
Là khoảng cách giữa bạn và đối tượng cũng như cơ hội tiếp xúc của bạn với người đó qua thời gian. Ví dụ khi bạn muốn chinh phục một đối tượng nào đó, thay vì bạn đến tận nơi họ và nói “Xin chào, tôi tên là Minh, tôi muốn làm quen với bạn”. Điều này sẽ làm đối tượng cảm thấy không an toàn vì không biết mục đích làm quen của bạn là gì. Thay vào đó, ngày nào bạn cũng đi qua chỗ ngồi làm việc của đối tượng, như một cách tình cờ. Để bạn được ở trong tầm mắt của đối tượng, khiến họ dần cảm thấy quen thuộc. Sau đó, bạn có thể nhìn đối tượng, và nhiều lần như vậy, chắc chắn 4 mắt bạn sẽ gặp nhau. Lúc này đối tượng có thể nghĩ “Ơ, cậu này trông quen quen!”. Vậy là khoảng cách gần đã ngày càng gần hơn.
Điều này cần được diễn ra trong một môi trường không mang tính đe dọa, nghĩa là không cảm thấy quá gần khi chưa cảm thấy quen quen.
Tần suất xuất hiện
Là số lần liên hệ mà bạn có đối với đối tượng.
Ban đầu có thể là liên hệ mắt, một lúc nào đó có thể là gật đầu chào, mỉm cười chào, đi cùng một đoạn đường, nhằm gia tăng thời lượng tiếp xúc.
Cường độ cảm xúc
Là mức độ thỏa mãn tâm lý của đối tượng bằng cách sử dụng các hành vi có lời và không lời.
Ở thời điểm này, nếu bạn có thể nắm bắt được tâm lý đối phương nhằm đưa ra một vài gợi ý giúp đỡ như đi in hộ tài liệu, mời cốc cà phê tại căng-tin, đều có thể gia tăng cường độ cảm xúc dành cho đối phương.
Ở giai đoạn đầu, bạn nên dành cho đối phương cảm giác tò mò kiểu “Chuyện này là sao nhỉ? Tại sao họ lại làm thế với mình? Mình có thể làm gì với điều này?”. Dần dần họ sẽ chú ý đến bạn nhiều hơn, nghĩ đến bạn nhiều hơn, và ấn tượng với bạn lớn hơn.
Đây là công thức đúng ở mọi mối quan hệ, không chỉ bạn bè, mà cả đồng nghiệp, thậm chí cả cho các mối quan hệ yêu đương.
Đưa ra đề nghị giúp đỡ và mong được giúp đỡ
Có thể bạn thấy khó tin nhưng việc đưa ra lời đề nghị giúp đỡ lại là cách rất hiệu quả để được ai đó quý mến.
Có câu chuyện về việc Benjamin Franklin biến thù thành bạn như rất đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi.
Franklin vốn có một đối thủ trong hội đồng lập pháp. Tuy cả hai không tiếp xúc nhiều nhưng cũng không thân thiện với nhau mấy. Có lần Franklin nghe đối phương có quyển sách quý, Franklin đã nghĩ ra cách để biến mối quan hệ hai người tốt đẹp hơn. Ông đã viết một bức thư bày tỏ tha thiết muốn mượn tạm quyển sách quý hiếm của người kia. Và ông được đối phương đáp ứng. Một tuần sau ông gửi trả sách kèm những lời nhắn biểu lộ cảm giác vui sướng khi được đọc cùng cảm kích chân thành đến người cho mượn. Kết quả là mối quan hệ bạn bè tốt đã nảy nở từ đó.
Vì vậy, có một gợi ý rất hay cho bạn là khi muốn kết thân với người khác, hãy “làm phiền” họ, hãy nhờ đối phương giúp đỡ bạn.
Nhờ việc gì thì nên dựa vào sự tự hào của họ. Họ tự hào về cái gì, hãy nhờ họ giúp đỡ về cái đó. Họ sẽ rất tự hào để giúp bạn bởi đó là cách họ được bạn và những người khác công nhận.
Giúp người khác khi họ đang khó khăn và nhờ người khác giúp mình khi họ đang tự hào, chứ đừng ghen ghét họ, chắc chắn bạn sẽ được nhiều người yêu mến.
Trên đây là 5 bí kíp bạn bè mà bạn cần biết để áp dụng trong cuộc sống cũng như trong công việc. Hãy áp dụng 5 bí kíp này và chia sẻ cho mình biết kết quả nhé.
Chúc bạn có nhiều mối quan hệ tuyệt vời nơi chốn công sở!
********
Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:
🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van
🍀Blog: https://goroitraitim.com
🍀Youtube: https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim
🍀Podcast: https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim
🍀Group facebook: https://www.facebook.com/groups/goroitraitim