Những lớp mặt nạ bảo vệ sự tổn thương

Tôi luôn thấy mình bất lực trong vai trò làm mẹ. Tôi muốn đưa ra các luật lệ nghiêm khắc với con nhưng tôi không thể làm được. Nếu nói rằng tôi rất sợ khi phải nghiêm khắc, phải đặt ra các ranh giới, bạn có thể sẽ thấy buồn cười, nhưng đúng là như vậy. Tôi thà để cho người khác giày xéo chứ không dám nói lên chính kiến của mình. Tôi sợ con mình giận dữ! Tôi sợ đồng nghiệp ghét bỏ… Tôi là một bà mẹ bất hạnh. Tôi là một đứa trẻ trong hình hài người lớn bất hạnh”. – Chị Nga, 32 tuổi – Nhân viên văn phòng. Chị là điển hình của việc đeo lớp mặt nạ bảo vệ “Đứa trẻ bị bỏ rơi” trong nhiều năm.

MỤC LỤC

Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ mình. Cách nuôi dạy của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta phản ứng với tình huống và với thế giới sau này. Cách chúng ta phản ứng với các tình huống trong cuộc sống được hình thành từ rất sớm. Ví dụ một đứa trẻ hay la hét nhưng bố mẹ không biết cách làm thế nào để xoa dịu cơn giận dữ của trẻ, mà chỉ uy quyền để quát nạt, bắt đứa trẻ “nín”, cấm khóc. Đứa trẻ đó lớn lên có xu hướng tuân theo, tỏ ra ngoan ngoãn, phớt lờ cảm xúc và mong muốn của mình. Nếu cha mẹ khắt khe, hay đánh mắng, trừng phạt, đứa trẻ có thể từ chối nhu cầu của bản thân, cố gắng làm mọi việc để hài lòng cha mẹ. Lớn lên nó sẽ giống như chị Nga, luôn cố gắng làm hài lòng người khác, không cảm thấy mình có giá trị, không xứng đáng với những điều tốt đẹp, không dám có những suy nghĩ trái với người khác và không bao giờ dám nói lên chính kiến của mình – đó là khi chị Nga đã khoác lên tấm áo choàng bảo vệ để bảo vệ chính bản thân mình.

Khi khoác lên lớp áo choàng bảo vệ, chúng ta không sống thật với mình. Chúng ta dùng tấm áo choàng đó để che đậy những tổn thương của bản thân mình. Khi hiểu được bạn đang dùng tấm áo choàng nào, là bạn đã đến gần hơn, nhìn rõ hơn sự tổn thương của mình.

Mình xin điểm danh một số tấm áo choàng bảo vệ mà chúng ta thường sử dụng:

Anh hùng

Phiên bản “hero – anh hùng” là người cho đi rất nhiều, giỏi chăm sóc và lắng nghe người khác. Nhìn bên ngoài bạn là người có tất cả, thành đạt, nhà cửa, địa vị. Nhưng ẩn sâu bên trong là những u uất, cô đơn, lo lắng, cực kỳ sợ thất bại, luôn thấy cảm xúc bị đè nén và thấy mình không đủ giỏi.

Ở phiên bản hero bạn không nhờ ai giúp việc gì, tự mình cố gắng hoàn thành mọi việc dù có mệt đến đâu. Bạn cũng không dễ chia sẻ cảm xúc của mình với ai. Bạn luôn cố tỏ ra là người hoàn hảo.

Người làm hài lòng người khác

Bạn mong muốn thoả mãn nhu cầu của bản thân, bằng cách cố gắng thoả mãn nhu cầu của người khác. Bạn tin rằng bản thân mình sẽ có giá trị khi giúp đỡ hoặc làm vừa lòng người khác. Điều này khiến bạn đè nén cảm xúc của bản thân không dám nói lên ý kiến và nhu cầu của mình. Chẳng hạn bạn có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ nghe cô bạn đồng nghiệp than thở về sếp của cô ấy, mặc dù bạn không muốn chút nào. Bạn ghét phải nghe than thở nhưng bạn cũng không dám nói với đồng nghiệp là tớ không muốn nghe nữa.

Đứa trẻ bị bỏ rơi

Đứa trẻ bị bỏ rơi thường là đứa ít nói nhất trong gia đình. Bạn thường im lặng trong các cuộc nói chuyện. Bạn thích ở một mình, né tránh xung đột, tranh luận. Bạn cố gắng né cả các cuộc trò chuyện hay thậm chí trở thành người vô hình trong trốn đông người. Bạn rất sợ nhìn thấy người khác nổi giận. Nhìn bên ngoài bạn im lặng, tự lập nhưng bên trong bạn cảm thấy buồn, cô lập, sợ hãi, bối rối, hoặc thậm chí trầm cảm. Bạn chỉ muốn im lặng cho bản thân.

Đứa trẻ hư

Nếu một gia đình không chấp nhận sự khác biệt của đứa con mình và có xu hướng chửi bới, đánh đập, trừng phạt thì đứa trẻ có xu hướng tạo ra lớp bảo vệ là đứa trẻ hư – một đứa trẻ luôn có vấn đề. Lúc này gia đình lại loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề của đứa trẻ thay vì kết nối và yêu thương nhau. Đứa trẻ từ đó học được cách kết nối với những người khác thông qua vấn đề. Chúng luôn tạo ra điều gì đó để được quan tâm. Bên trong đứa trẻ luôn tồn tại cảm giác tổn thương, sợ hãi, sợ bị bỏ rơi, sợ bị tổn thương, luôn bị hiểu lầm, trách móc. Nếu bạn là đứa trẻ hư, bạn luôn thấy mình kỳ cục, kém cỏi.

Người thế chỗ

Trong gia đình mà bố mẹ không hạnh phúc hoặc bố mẹ ly hôn, thiếu hụt sự chăm sóc của nửa kia, đứa trẻ có thể vào vai người thế chỗ. Con cái sẽ là người chia sẻ tình cảm của bố mẹ, là người biết lắng nghe, là nguồn yêu thương cho bố hoặc mẹ trong cuộc sống của họ.

Đứa trẻ sinh ra không phải là để bù đắp sự thiếu hụt tình cảm của bố mẹ. Đứa trẻ chưa thể “cho” khi chưa biết “nhận” là gì. Những đứa trẻ trong gia đình này thường gặp những khó khăn trong những mối quan hệ của trẻ khi trưởng thành.

Con cưng

Bạn là đứa trẻ dễ thương, đáng yêu, được cưng chiều. Bạn có khiếu hài hước và luôn làm cho mọi người cảm thấy thoải mái khi ở quanh mình. Nhìn bên ngoài thì bạn vui vẻ, lạc quan, nhận được sự quan tâm của mọi người. Bạn lúc nào cũng được chú ý và luôn tìm mọi cách để có được sự chú ý đó. Tuy nhiên, bên trong bạn dễ cảm thấy bất an và cô đơn. Bạn khao khát cảm giác được công nhận.

Một người có thể có nhiều hơn một lớp áo choàng bảo vệ. Càng nhiều lớp áo choàng, hành trình chữa lành của bạn sẽ càng cần trải qua nhiều bước hơn. Khi đã cởi bỏ được hết những tấm áo choàng, bạn sẽ được là mình, trong suốt và chân thực.

Chúc bạn sớm tìm thấy chính mình, được sống là mình với tràn đầy tình yêu thương.

********

Gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau nhé:

🍀Đặt hẹn: bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim

⁠⁠⁠⁠⁠🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang