Chữa lành đứa trẻ bên trong hay cha mẹ bên trong?

Trào lưu “chữa lành” hiện nay đang đề cập nhiều đến việc chữa lành đứa trẻ bên trong. Tuy nhiên, điều này có thể vẫn chưa đầy đủ nếu bạn chưa hiểu về 3 trạng thái cái tôi. Khi bạn nhận thức rõ trạng thái cái tôi nào thường chiếm quyền kiểm soát hành động của bạn, bạn mới biết được cái bạn cần là chữa lành cha mẹ bên trong hay chữa lành đứa trẻ bên trong.

Nhà tâm thần học Eric Berne cho rằng có ba trạng thái cái tôi: Cha Mẹ, Đứa Trẻ và Người Trưởng Thành. “Trạng thái cái tôi” là chuỗi các hành vi nhất quán với cảm xúc. Đó là một hệ thống cảm xúc đi kèm với một chuỗi những hành vi liên quan đến nó. Ba trạng thái này hoạt động như một cột đèn tín hiệu giao thông. Càng nhận biết rõ hành động của mình đang bị trạng thái cái tôi nào chiếm quyền, bạn càng có khả năng điều chỉnh hành vi của chính mình.

Tại bất kỳ thời điểm nào, mỗi con người trong một tương tác xã hội đều có thể chuyển từ trạng thái cái tôi này sang trạng thái cái tôi khác.

1. Trạng thái cái tôi Cha Mẹ

“Mỗi người đều mang trong mình cha mẹ của mình” . Trong mỗi chúng ta đều có cha mẹ của chúng ta (hay người cha mẹ thay thế như ông bà nếu phần lớn tuổi thơ bạn sống cùng ông bà). Nếu bạn hành động giống như cha mẹ mình, có nghĩa là bạn bây giờ đang ở trạng thái tâm lý giống như cha hoặc mẹ bạn. Bạn đang nói chuyện như thể cha mẹ bạn đang nói chuyện, bạn sử dụng cùng một cử chỉ, tư thế, ngôn ngữ, cảm xúc với cha mẹ mình.

Bố tôi là người vô cùng nóng nảy. Ngày bé, khi chị em tôi đi chơi về muộn, bố tôi lao ra ngoài đi tìm cây roi mây. Khi trở lại, ông tức run người, mắt long lên. Ngày hôm đó chị em tôi được một trận đòn nhớ đời. Nhưng còn một thứ khác, dù bố không nói đến, không yêu cầu chúng tôi phải làm theo, nhưng trong vô thức, em trai tôi đã học được hết những gì của bố ngày hôm đó. Sau này khi lớn lên, có lần, tôi thấy em mình tức giận với con trai của em, em không lao ra ngoài đi tìm roi, nhưng người em run lên vì tức giận. Mắt em long lên, em quát cực lớn. Khi ấy, tôi nhìn thấy toàn bộ bố tôi trong em. Đó là vì em đang hành động theo trạng thái cái tôi Cha Mẹ.

Trạng thái Cha Mẹ không phải lúc nào cũng mất cân bằng như thế. Giả sử bố bạn là người vô cùng điềm tĩnh, rất có thể bạn học được sự điềm tĩnh từ cha mẹ mình, và trong mọi trường hợp mâu thuẫn, bạn vẫn có thể điềm tĩnh để nói chuyện, vì bạn đang để trạng thái Cha Mẹ hành động.

Trạng thái Cha Mẹ được thể hiện bằng hai hình thức:

* Trực tiếp (trạng thái tích cực): Lúc này bạn phản ứng như cha mẹ thực của bạn phản ứng.

* Gián tiếp (như một nguồn ảnh hưởng): Lúc này bạn phản ứng như cách mà cha mẹ muốn bạn phản ứng. Lúc này bạn biến thành mong muốn của cha mẹ.

2. Trạng thái cái tôi Trưởng Thành

Một cách thông dụng nhất thì “Mỗi người đều mang trong mình một người trưởng thành”. Khi ở trạng thái Trưởng Thành, bạn hành động khách quan, chủ động về tình huống và diễn đạt hay những kết luận mà bạn rút ra, theo một cách không phán xét.

Ai cũng có một người Trưởng Thành khôn ngoan, hoàn thiện cần được khám phá và kích hoạt.

Trạng thái cái tôi Trưởng Thành hành động một cách tổn thương khi nó để cho trạng thái Cha Mẹ hoặc Đứa Trẻ lấn át một cách không hợp lý hoặc không hiệu quả, không kiểm soát được.

3. Trạng thái cái tôi Đứa Trẻ

Khi ở trạng thái này, cách thức và mục đích phản ứng của bạn giống như cách mà bạn sẽ thực hiện khi bạn còn là một đứa trẻ.

Ai cũng đều từng là trẻ em. Và khi bạn đã trưởng thành, sẽ vẫn có lúc bạn hành động như một đứa trẻ. Khi đó, trạng thái cái tôi Đứa Trẻ của bạn đang được kích hoạt.

Trạng thái Đứa Trẻ có thể mang lại cho bạn cuộc sống vui vẻ, sự đáng yêu và sức sáng tạo. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ của bạn không được phát triển lành mạnh, bạn có thể hành động một cách đầy tổn thương.

Trạng thái Đứa Trẻ cũng có hai hình thái:

  • Đứa trẻ thích nghi: Điều chỉnh hành vi của mình dưới sức ảnh hưởng của cha mẹ. Đứa trẻ này hành xử như cha mẹ anh ta muốn.
  • Đứa trẻ tự nhiên: thể hiện sự tự nhiên không gò bó, ví dụ đầy sức sáng tạo hoặc nổi loạn

Ba trạng thái cái tôi này rất khác nhau, thường xuyên không ăn khớp với nhau.

Đứa trẻ là sự sáng tạo, niềm vui thích, trực giác, tự nhiên.

Người Trưởng Thành là trạng thái cần thiết cho việc sống còn. Nó xử lý dữ liệu và tính toán những khả năng cần thiết để đối phó hiệu quả với thế giới bên ngoài. Nhiệm vụ khác của Người Trưởng Thành là điều chỉnh các hoạt động của Cha Mẹ và Đứa Trẻ, dàn xếp một cách khách quan giữa hai trạng thái này.

Cha Mẹ có chức năng giúp cá nhân hành xử hiệu quả như chính bậc cha mẹ của trẻ em. Bên cạnh đó nó khiến cho nhiều phản ứng là vô thức, giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng. Nó giúp Người Trưởng Thành khỏi sự cần thiết phải ra nhiều quyết định không quan trọng.

Ba trạng thái này đều có giá trị sống và sinh tồn cao, và chỉ khi một hay nhiều trong số này phá vỡ sự cân bằng lành mạnh thì mới cần các phân tích và sắp xếp lại cụ thể.

Để ngắn gọn hơn, tôi sẽ gọi các trạng thái cái tôi này là Đứa Trẻ, Trưởng Thành và Cha Mẹ.

4. Hoá giải mâu thuẫn bằng cách “Chuyển” trạng thái cái tôi

Khi bạn giao tiếp với một ai đó, trạng thái cái tôi của bạn tương tác với cái tôi của người kia. Lúc này bạn cần biết trạng thái cái tôi nào đang tham gia vào quá trình giao tiếp, tương tác giữa hai người.

Giao tiếp ổn thoả nhất là giao tiếp mà ở đó cả khích lệ và hồi đáp đều được mang đến từ Người Trưởng Thành của các bên.

Một kiểu giao tiếp khác cũng dễ chịu là kiểu giao tiếp giữa Cha Mẹ và Đứa Trẻ. Thời gian nghỉ trưa của chúng tôi thường rất ngắn ngủi, nên khi đến giờ đi ăn trưa, cả văn phòng đứng lên mà không ai đợi cô bạn đồng nghiệp của tôi. Cô ấy “dỗi” và không đi ăn nữa. Anh bạn đồng nghiệp đi một quãng xa mới nhớ ra và liền gọi điện cho cô ấy để chờ đi ăn cùng. Cô ấy vẫn dỗi, nhất định không đi. Cậu ấy đi ăn xong mang về một xuất đồ ăn nóng hổi để sẵn lên bàn cho cô ấy, kèm lời nhắn “Khi nào đói thì ăn nhé. Mà dỗi ít thôi bạn ơi”. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy cô đồng nghiệp đang tương tác bởi trạng thái Đứa Trẻ. Cậu bạn ân cần bởi trạng thái Cha Mẹ – chăm sóc và chu toàn.

Cả hai kiểu giao tiếp này đều bổ sung tốt cho nhau; nghĩa là hồi đáp phù hợp và được mong đợi, đi theo thứ tự tự nhiên của các mối quan hệ lành mạnh giữa con người. Những giao tiếp bổ sung cho nhau đều suôn sẻ cho dù là họ đang chỉ trích nhau (Cha Mẹ – Cha Mẹ), giải quyết một vấn đề (Người Trưởng Thành – Người Trưởng Thành) hay chơi đùa cùng nhau (Cha Mẹ – Đứa Trẻ hay Đứa Trẻ – Đứa Trẻ).

Ngược lại giao tiếp này sẽ trở nên khó khăn khi các tương tác này là phần tổn thương trong nhau. Hai đứa trẻ chơi với nhau có thể rất vui, nhưng hai đứa trẻ tổn thương sẽ có rất nhiều giận hờn, cãi vã, thậm chí đau đớn.

Bởi vậy nên bạn cần biết Đứa Trẻ, Cha Mẹ, Người Trưởng Thành trong bạn khi tổn thương sẽ hành xử như thế nào. Từ đó chữa lành những tổn thương để có thể hành động một cách cân bằng và hài hoà.

Khi bạn tôi giận tôi, cậu ấy nói mát với tôi: “Cậu thì giỏi rồi, nên cậu đâu cần chơi với tôi nữa”. Tôi khi ấy thay vì tức giận, nghĩ rằng bạn trách oan mình, thì cố gắng nhìn nhận xem trạng thái cái tôi nào của bạn tôi đang bị kích hoạt. Tôi nhìn thấy Đứa Trẻ trong bạn đang tổn thương, hình như đang khóc. Tôi quyết định chuyển sang trạng thái Người Trưởng Thành, nói với bạn: “Dường như bạn đang buồn và đang hiểu lầm mình. Mình muốn chúng ta sẽ nói chuyện kỹ hơn về hiểu lầm này, nhưng sau khi đã ăn no. Giờ mình đói lắm rồi. Đi ăn đi”. Vậy là Người Trưởng Thành – và Đứa Trẻ không còn giận hờn nhau nữa. Nhưng không phải lúc nào Đứa Trẻ cũng nguôi giận nhanh chóng, có đôi khi Đứa Trẻ giận rất lâu. Nhưng điều quan trọng là bạn không chuyển trạng thái cái tôi sang đứa trẻ – cũng giận dỗi lại bạn, hay cha mẹ – quát tháo, nạt nộ, thậm chí cãi nhau với bạn của mình.

Mẹ tôi cũng thường xuyên hành xử như một Đứa Trẻ đầy tổn thương. Tôi và mẹ đã có những giai đoạn vô cùng khó khăn trong giao tiếp. Nhưng khi hiểu về 3 trạng thái cái tôi này, tôi thường nhắm mắt lại, kết nối với trạng thái Trưởng Thành để giao tiếp với mẹ, để dỗ dành Đứa Trẻ ở trong mẹ. Chúng tôi trở nên hiểu nhau và dễ giao tiếp với nhau hơn.

5. Chữa lành Đứa Trẻ bên trong hay chữa lành Cha Mẹ bên trong

Hiện nay có nhiều nhà tâm lý thực hiện chữa lành tổn thương Đứa Trẻ bên trong, nhưng không phải mọi rắc rối của bạn đều bắt nguồn từ Đứa Trẻ tổn thương. Rắc rối cũng có thể đến từ Cha Mẹ tổn thương. Hiểu rõ 3 trạng thái cái tôi này sẽ giúp bạn biết chính xác mình cần bắt đầu từ đâu.

Không phải lúc nào bạn cũng phản ứng như một đứa trẻ, cũng không phải lúc nào bạn cũng hành động như cha mẹ mình. Tuỳ từng trường hợp, tuỳ theo hoàn cảnh mà vô thức sẽ phản ứng nhanh đến mức ý thức của bạn chưa kịp nhận ra. Vì vậy càng quan sát nhiều mỗi lần bạn phản ứng với những điều bất như ý, bạn càng biết được trạng thái cái tôi nào đang chiếm quyền, và đang phản ứng chưa phù hợp. Khi ấy bạn mới biết mình cần chữa lành cái gì.

Nếu muốn biết mình cần phải chữa lành phần tổn thương nào, liên hệ Gỡ Rối Trái Tim để được đánh giá, gỡ rối và chữa lành bạn nhé.

******

🍀 Vui lòng liên hệ hotline 096 385 3883 hoặc email goroitraitim@gmail.com để đặt lịch hẹn tư vấn – trị liệu tâm lý tại Gỡ Rối Trái Tim.

Hoặc gặp gỡ và trò chuyện cùng mình tại các địa chỉ sau:

🍀Đặt hẹn: ⁠bit.ly/book-lich-tu-van⁠⁠

🍀Blog: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://goroitraitim.com⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Youtube: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.youtube.com/@GoRoiTraiTim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀Podcast: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://podcasters.spotify.com/pod/show/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠

🍀⁠⁠⁠Group facebook⁠: ⁠⁠⁠⁠⁠⁠⁠https://www.facebook.com/groups/goroitraitim⁠⁠⁠⁠⁠⁠

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang